Thị trường thương mại điện tử dự kiến đạt trị giá 2,05 nghìn tỷ USD ở APAC vào cuối năm 2023.
Theo một nghiên cứu gần đây của Kaspersky, 25% nhân sự công nghệ thông tin (CNTT) cho rằng nguyên nhân các cơ sở hạ tầng thiết yếu, dầu khí và năng lượng đối mặt với nhiều sự cố mạng đến từ việc phân bổ ngân sách không hiệu quả. Được biết, ngành bán lẻ tại châu Á - Thái Bình Dương (APAC) đã trải qua nhiều cuộc tấn công mạng lớn nhất trong 24 tháng qua.Cuộc khảo sát cũng cho thấy, 19% doanh nghiệp trong khu vực gặp phải sự cố mạng do không đầu tư phát triển an ninh mạng trong hai năm qua. Khi đề cập đến tình hình tài chính, gần 16% doanh nghiệp thừa nhận rằng họ không có đủ ngân sách để trang bị đầy đủ biện pháp an ninh mạng.
Tùy thuộc vào đặc tính của từng ngành mà các doanh nghiệp đối mặt với vấn đề an ninh mạng khác nhau. Đơn cử, các tổ chức bán lẻ gặp phải nhiều sự cố mạng đến từ việc thiếu hụt ngân sách (37%), theo sau là các công ty viễn thông (33%) và cơ sở hạ tầng quan trọng, năng lượng, dầu khí (23%).
“Thị trường thương mại điện tử dự kiến đạt trị giá 2,05 nghìn tỷ USD ở APAC vào cuối năm 2023, điều này lý giải ngành bán lẻ trở thành đối tượng của những kẻ tấn công mạng. Theo đó, doanh nghiệp đã thực hiện chuyển đổi số và và sở hữu kho tàng dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu tài chính”, ông Adrian Hia - Giám đốc điều hành khu vực APAC của Kaspersky nhận xét.
“Nghiên cứu gần đây của chúng tôi chứng minh rằng các tác nhân đe dọa đều nhắm vào các doanh nghiệp một cách có chủ đích và tội phạm mạng biết dữ liệu họ muốn ở đâu. Kaspersky khuyến khích tất cả các ngành ở APAC, đặc biệt là những ngành xử lý thông tin quan trọng, phân bổ ngân sách an ninh mạng hiệu quả hơn để đảm bảo an toàn cho doanh nghiệp và quan trọng nhất là dữ liệu nhạy cảm của khách hàng”, ông Adrian Hia nói thêm.
Bên cạnh đó, một số ngành ít gặp phải các cuộc tấn công mạng hơn. Do hạn chế về ngân sách, ngành sản xuất gặp phải 11% vấn đề an ninh mạng, trong khi ngành vận tải và hậu cần chứng kiến 9% sự cố mạng. Tuy nhiên, vẫn có những doanh nghiệp không phân bổ chi phí cho bộ phận an ninh mạng, 2% cho biết họ không chuẩn bị ngân sách dành riêng cho bảo mật an ninh mạng.
Song nhiều người tham gia khảo sát tiết lộ mong muốn thực hiện công tác chuẩn bị để tăng cường an ninh mạng trong 1 - 1,5 năm tới. Một trong những lĩnh vực đầu tư phổ biến nhất là phần mềm phát hiện mối đe dọa (46%) và đào tạo, trong đó 50% công ty có kế hoạch phân bổ ngân sách cho các chương trình giáo dục cho chuyên gia an ninh mạng và 46% đào tạo nhân sự doanh nghiệp.
Các biện pháp phổ biến khác mà các tổ chức dự định thực hiện là giới thiệu phần mềm bảo vệ điểm cuối (42%), tuyển dụng thêm chuyên gia CNTT (37%) và áp dụng giải pháp đám mây SaaS (45%).
|