Quân đội Nga nhặt được kho báu, đó là một chiếc UAV tự sát tàng hình của Quân đội Ukraine bị rơi và lao vào nóc một ngôi nhà nhưng không phát nổ.
Một trong những bức ảnh mới nhất về cuộc xung đột Nga-Ukraine xuất hiện trên mạng xã hội, đó là chiếc UAV cảm tử UJ-25, được trang bị động cơ phản lực mới nhất của Quân đội Ukraine, đã đâm vào một ngôi nhà ở thành phố Berdyansk, vùng Zaporozhye phía đông Ukraine.
Rất có thể UAV UJ-25 được phát triển từ UAV phản lực UJ-23, chủ yếu được sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ tấn công cảm tử "kamikaze", có thể bay hàng trăm km và áp dụng thiết kế tàng hình, tương tự như tên lửa hành trình tàng hình.
Nhưng có vẻ như lần này máy bay không người lái của Ukraine gặp trục trặc và đâm thẳng vào nóc một ngôi nhà, may mắn là ngòi nổ chưa được kích hoạt nên đầu đạn mang trên đầu UAV không phát nổ.
UAV UJ-25 lần đầu được ông Mykhailo Fedorov, Phó Thủ tướng Ukraine phụ trách đổi mới, giáo dục, khoa học và công nghệ kiêm Bộ trưởng Chuyển đổi Kỹ thuật số nhắc đến trong cuộc phỏng vấn của hãng tin CNN/Mỹ hồi tháng 9 về cuộc chiến UAV ở Ukraine. Tuy nhiên, thông tin chi tiết về UAV Ụ-25 không được ông Fedorov tiết lộ.
Trang web War Zone của Mỹ nhận định, thiết kế của UJ-25 rõ ràng có nguồn gốc từ mẫu UJ-23 Topaz của UKRJET, mẫu UAV chuyên dùng làm mục tiêu huấn luyện cho lực lượng phòng không. Ngoài ra UJ-23 cũng có thể được điều chỉnh để dùng cho các nhiệm vụ trinh sát.
Hiện chưa rõ chức năng của UAV UJ-25 khác như thế nào so với UJ-23. Cả hai đều có hình dạng tổng thể giống nhau với thân chính giống tên lửa, cánh chính hướng về phía trước, đuôi dạng chữ V. Các cửa hút gió gắn trên cùng ở thân sau dẫn vào một động cơ phản lực nhỏ.
Chiếc UAV UJ-25 xuất hiện trong cuộc phỏng vấn của ông Fedorov còn có thêm cánh mũi ở phần đầu phía trước thân UAV. Nhưng phần mũi của chiếc UAV rơi xuống Berdyansk đã bị hỏng nặng, nên chưa thể xác minh đặc điểm này.
UAV UJ-23 và UJ-25 cũng có kích thước tương đương và cả hai mẫu dường như có một số đặc điểm giúp tàng hình trước radar. Nhà sản xuất UAV UJ-23, Ukrjet, không liệt kê UJ-25 trên trang web công khai của mình.
Là UAV dùng để làm mục tiêu cho lực lượng phòng không huấn luyện nên mẫu UJ-23 Topaz được gắn dù để có thể thu hồi và tái sử dụng. Theo Ukrjet, bán kính hoạt động tối đa của UJ-23 trong một lần xuất kích là khoảng 400km.
Nếu có tầm hoạt động tương tự UAV UJ-23, UJ-25 có thể có tầm tác chiến một chiều lên tới gần 800km, bao phủ tất cả khu vực của Ukraine hiện do Nga kiểm soát, cùng phần lớn lãnh thổ Nga, bao gồm thủ đô Moscow.
Thiết kế tổng thể khiến UJ-25 có tiềm năng làm UAV mồi nhử, đặc biệt là nếu nó được trang bị thêm năng lực tác chiến điện tử chủ động. Ngay cả khi chỉ là dạng mồi nhử cơ bản và thụ động, UJ-25 có thể làm nhiễu và che giấu các UAV tấn công thực sự.
Dù UAV UJ-25 có cấu hình ra sao chưa xét đến, nhưng điều quan trọng nhất của mẫu UAV này vẫn là sử dụng động cơ đẩy phản lực, thiết kế này giúp UAV UJ-25 tiếp cận mục tiêu với tốc độ nhanh hơn.
Tốc độ của UJ-25, kết hợp với kích thước tương đối nhỏ và đặc tính tàng hình, sẽ khiến đối thủ gặp khó khăn hơn trong việc phát hiện, theo dõi và đánh chặn. Nếu nó được dùng làm UAV cảm tử, thời gian để đối thủ phản ứng sẽ ngắn hơn.
Theo phân tích của Nga, điểm đến chính xác của chiếc máy bay không người lái UJ-25 của Ukraine vẫn chưa rõ ràng, nhưng có khả năng nó có ý định tấn công tàu Nga hoặc các mục tiêu trên bộ gần thành phố Berdyansk.
Trước đó, Công ty UKRJET của Ukraine đã ra mắt UAV mục tiêu UJ-22 và UJ-23. UJ-22 là UAV mục tiêu truyền thống, được trang bị động cơ cánh quạt piston; trong khi UJ-23 là UAV mục tiêu mới, sử dụng động cơ phản lực nhỏ.
Ukraine đã sử dụng những UAV mục tiêu này trong chiến tranh ngay từ những ngày đầu của cuộc chiến. Quân đội Nga từng bắn hạ một UAV mục tiêu UJ-22 được cải tạo thành UAV cảm tử. Tuy nhiên, so với UAV cánh quạt UJ-22, UAV dùng động cơ phản lực UJ-23/25 khó bị bắn hạ hơn.
Một mặt, UAV UJ-23/25 có khả năng tàng hình nhất định trước radar, giúp nó có thể khó bị phát hiện; kết hợp với động cơ phản lực, tốc độ của nó rất nhanh, giúp giảm đáng kể khả năng bị đánh chặn.
UAV UJ-23/25 có khoang tải trọng có thể cấu hình lại dễ dàng và có thể mang đầu đạn nặng 10kg. UAV này có thể tấn công các mục tiêu cố định hoặc mục tiêu bọc thép và giá cả của UAV cũng không quá đắt.
Đây không phải là lần đầu tiên Ukraine ứng dụng UAV trang bị động cơ phản lực vào chiến trường; trong những ngày đầu của cuộc xung đột, UAV trinh sát chiến thuật chiến dịch Tu-141 "Swift" thời Liên Xô đã được Ukraine cải tạo thành tên lửa hành trình tấn công sân bay quân sự Nga.
Sắp tới, Quân đội Nga cũng đưa máy UAV trang bị động cơ phản lực vào chiến trường (cụ thể là thay động cơ piston cánh quạt trên UAV tự sát Geran-2 bằng động cơ phản lực), nâng cấp hơn nữa công nghệ UAV trong xung đột Nga-Ukraine.