Nằm trên "Vành đai lửa", Nhật có hoạt động địa chấn phức tạp, khiến nước này hứng chịu 155 trận động đất và sóng thần trong ngày đầu năm mới.
Lần đầu tiên kể từ năm 2011, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) hôm qua đã phải phát cảnh báo sóng thần, sau trận động đất 7,6 độ ở bán đảo Noro thuộc tỉnh Ishikawa. Đây là rung chấn mạnh nhất trong tổng cộng 155 trận động đất xảy ra ở miền trung Nhật Bản trong ngày đầu năm mới.
Kể từ năm 2020, bán đảo Noro đã ghi nhận 5 trận động đất mạnh trên 5 độ. Hơn 500 trận động đất trên 1 độ đã xảy ra trong khu vực kể từ tháng 12/2020.
Hồi tháng 5/2023, loạt địa chấn 5-6 độ diễn ra ở đây, khiến một người thiệt mạng, 49 người bị thương và phá hủy khoảng 200 tòa nhà.
Các nhà nghiên cứu của chính phủ Nhật hồi tháng 5 năm ngoái cảnh báo hoạt động địa chấn "dự kiến tiếp diễn trong một thời gian" và kêu gọi tăng cường các biện pháp phòng chống thiên tai.
Động đất thường xảy ra tại đường đứt gãy giữa các mảng kiến tạo, những khối đá khổng lồ tạo nên lớp vỏ Trái Đất. Đứt gãy cho phép các khối đá dịch chuyển tương đối so với nhau, nhưng đôi khi chúng mắc kẹt với nhau, khiến áp lực tại các đường đứt gãy gia tăng.
"Khi áp lực ngày một tăng và đạt tới đỉnh điểm, các mảng kiến tạo sẽ bị trượt", Hadi Ghasemi, nhà địa chấn học tại tổ chức Geoscience Australia ở Canberra, nói.
Khi xảy ra hiện tượng trượt, năng lượng sẽ được giải phóng dưới dạng sóng địa chấn, khiến cho mặt đất rung chuyển, gây ra động đất.
Dù chưa xác định chắc chắn nguyên nhân trận động đất ngày 1/1, các nhà nghiên cứu cho rằng mức nước ngầm gia tăng có thể góp phần gây ra sự bất ổn của hoạt động địa chấn trong khu vực.
Junichi Nakajima, giáo sư khoa Khoa học Trái Đất và Hành tinh tại Viện Công nghệ Tokyo, cho biết nước ngầm dâng cao có thể xâm nhập vào các đường đứt gãy, khiến chúng dễ trượt. Phân tích của các nhà nghiên cứu sóng địa chấn chỉ ra nước ngầm tích tụ ở độ sâu 20-30 km và nếu nó dâng cao lên khoảng 10-15 km, động đất có thể xảy ra.
Mô phỏng hiện tượng địa chấn gây động đất, sóng thần. Đồ họa: SBS News
Hrvoje Tkalcic, người đứng đầu khoa Địa vật lý kiêm giáo sư tại Trường Nghiên cứu Trái Đất thuộc Đại học Quốc gia Australia, cho biết hiện tượng này chỉ xảy ra khi mảng kiến tạo này trượt lên trên mạng kiến tạo kia, khiến nước ngầm dịch chuyển theo chiều dọc.
Ông cho biết Nhật Bản là một trong những quốc gia có hoạt động địa chấn mạnh nhất thế giới vì nằm trong "khu vực kiến tạo rất phức tạp".
Bốn trong số hàng chục mảng kiến tạo lớn tạo nên bề mặt Trái Đất nằm ở Nhật Bản. Quốc đảo này cũng nằm trên "Vành đai lửa", chuỗi các núi nửa và địa điểm hoạt động địa chấn ở rìa Thái Bình Dương, khiến Nhật trở thành một trong những nơi dễ xảy ra động đất nhất thế giới.
Nhật Bản nằm trên "Vành đai lửa" Thái Bình Dương. Đồ họa: USGS
Aitaro Kato, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Động đất thuộc Đại học Tokyo, cho hay hoạt động địa chấn ở bán đảo Noro đã giảm nhưng vẫn ở mức cao. Trong trận động đất ngày 1/1, ông nói "dòng nước ngầm có thể làm các đường đứt gãy bị trượt và gây ra vết nứt lớn hơn. Chúng ta cần tiếp tục chú ý đến hoạt động này".
Do Nhật Bản nằm sát biển, những trận động đất như vậy có thể gây ra sóng thần. Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý không phải mọi va chạm giữa hai mảng kiến tạo dưới biển đều gây ra sóng thần.
Khoảng 10 phút sau khi động đất xảy ra hôm 1/1 ở Noro, đợt sóng thần cao khoảng 1,2 m tràn vào cảng Wajima của bán đảo. Điều may mắn là các đợt sóng thần sau đó có cường độ thấp hơn và không gây thiệt hại nặng cho khu vực bờ biển cũng như các nhà máy điện hạt nhân. Dù vậy, thảm họa động đất đã khiến nhiều công trình sụp đổ, hơn 30.000 hộ gia đình mất điện và ít nhất 48 người thiệt mạng.
Người phụ nữ cùng chó cưng ngồi trước ngôi nhà bị sập vì động đất ở thành phố Wajima, tỉnh Ishikawa ngày 2/1. Ảnh: AFP
Động đất và sóng thần không thể dự đoán chính xác, song các nhà khoa học có thể nắm rõ những khu vực có nguy cơ cao nhất. Khoảng 500.000 trận động đất xảy ra mỗi năm, nhưng hầu hết không được phát hiện trừ khi có những cảm biến địa chấn hiện đại. Khoảng 100.000 trận có thể cảm nhận và chỉ khoảng 100 trận gây thiệt hại, theo Rhys Blakely, nhà phân tích của Times.
Hirata Naoshi, giáo sư kiêm chuyên gia về động đất tại Đại học Tokyo, cảnh báo những người đã sơ tán ở Nhật không nên trở về nhà cho đến khi tất cả cảnh báo được dỡ bỏ. Ông lo ngại nguy cơ xảy ra một trận động đất mạnh và kéo theo sóng thần xảy ra trong thời gian tới, khi hoạt động địa chấn dưới lòng đất vẫn tiếp diễn.
VietBF@sưu tập