Ngay khi phát hiện đám cháy, 9 tiếp viên Japan Airlines yêu cầu mọi người bình tĩnh, thông báo phi công và chủ động mở cửa khẩn cấp để sơ tán hành khách.
Hãng hàng không Nhật Bản Japan Airlines ngày 3/1 cung cấp thông tin chi tiết về những diễn biến trong khoang máy bay Airbus A350 sau khi nó va chạm với phi cơ tuần thám của Cảnh sát biển tại sân bay Haneda ở thủ đô Tokyo một ngày trước đó. Chiếc A350 khi đó chuẩn bị hạ cánh sau hành trình từ sân bay New Chitose ở Hokkaido, miền bắc Nhật Bản.
Theo Japan Airlines, sau cú va chạm, máy bay A350 trượt dọc đường băng khoảng một km rồi dừng lại. Phi công trong buồng lái không phát hiện ngọn lửa bùng phát, nhưng các tiếp viên nhận thấy máy bay đang bốc cháy.
Lúc này, khói bắt đầu tràn ngập trong khoang máy bay, một số hành khách có biểu hiện hoảng sợ, la hét và cầu cứu. 9 tiếp viên đã yêu cầu mọi người giữ bình tĩnh, hướng dẫn họ cúi người, dùng khẩu trang hoặc khăn bịt mũi và miệng, kêu gọi hợp tác trong lúc chờ máy bay dừng hẳn.
Tiếp viên trưởng sau đó gọi vào buồng lái, thông báo máy bay đang bốc cháy và cần sơ tán hành khách khẩn cấp. Theo quy trình, tiếp viên cần được phi công cho phép trước khi mở cửa thoát hiểm.
Máy bay A350 có 8 lối thoát hiểm ở hai bên thân và cuộc sơ tán bắt đầu từ hai lối thoát hiểm phía trước máy bay. Tuy nhiên, 5 trong số 6 cửa còn lại ở giữa và phía sau phi cơ không đảm bảo an toàn để thoát hiểm do lửa đã bùng lên, chỉ còn một cửa phía sau bên trái là không bị ngọn lửa đe dọa.
Nhưng hệ thống liên lạc nội bộ lúc này đã bị hỏng nên tiếp viên không thể xin được lệnh phê chuẩn từ phi công để mở nó. Trong tình cảnh ngặt nghèo, các tiếp viên đã chủ động mở cửa này và kích hoạt máng trượt khẩn cấp để hành khách nhanh chóng thoát ra ngoài.
Quyết định này được coi là phù hợp với quy trình sơ tán tiêu chuẩn, bởi trong tình huống khẩn cấp, tiếp viên có thể lập tức kích hoạt cửa thoát hiểm và thực hiện sơ tán mà không cần đợi lệnh cơ trưởng để tiết kiệm thời gian.
Toàn bộ hành khách đã tuân thủ chỉ dẫn của tiếp viên, nhanh chóng di chuyển đến lối thoát hiểm trong tầm nhìn hạn chế vì khói đen mù mịt. Không người nào dừng lại lấy hành lý xách tay, điều có thể cản trở hoạt động sơ tán.
Cơ trưởng là người cuối cùng rời máy bay lúc 18h05, quá trình sơ tán hoàn thành trong vòng 18 phút kể từ khi máy bay hạ cánh. Japan Airlines cho hay toàn bộ 379 người trên khoang đều an toàn và các thành viên phi hành đoàn luôn chú trọng đến an toàn của hành khách trong quá trình này và tự quyết định hành động mà không cần chờ chỉ dẫn từ mặt đất.
Bộ Giao thông Nhật Bản nói quy trình sơ tán của Japan Airlines "đã được thực hiện đúng cách". Các chuyên gia hàng không quốc tế cũng ca ngợi cách phản ứng của các tiếp viên trên chuyến bay, cho rằng sự bình tĩnh, chuyên nghiệp của họ đã góp phần tạo nên phép màu.
Hãng hàng không cũng cho biết trước khi va chạm xảy ra, cả ba phi công trên máy bay A350 đều không nhìn thấy phi cơ tuần thám của Cảnh sát biển đang di chuyển vào đường băng, do đó họ đã không tính đến phương án hủy hạ cánh.
Hãng hàng không cho biết hiện chưa thể đưa ra lý do khiến phi công không thấy máy bay tuần thám. Một số chuyên gia cho hay máy bay tuần thám khá nhỏ so với A350 nên rất khó phát hiện trong đêm tối. Ngoài ra, thiết kế phần cánh ở phía trên thân cũng khiến đèn nội thất của nó bị che khuất khi các phi công A350 nhìn xuống từ trên cao.
Cú va chạm cũng khiến máy bay tuần thám bốc cháy, 5 người trên khoang thiệt mạng. Cơ trưởng máy bay tuần thám là người sống sót duy nhất khi kịp thoát ra ngoài. Máy bay của Cảnh sát biển gặp nạn khi đang trên đường chở đồ cứu trợ tới khu vực bị động đất ảnh hưởng ở miền trung Nhật Bản.
Ủy ban An toàn Giao thông Nhật Bản hôm qua mở cuộc điều tra về vụ tai nạn. Các nhà điều tra dự kiến thẩm vấn cơ trưởng của cả hai máy bay.
Takuya Fujiwara, quan chức Ủy ban An toàn Giao thông Nhật Bản, xác nhận chiếc A350 đã được kiểm soát không lưu cho phép hạ cánh. Bộ Giao thông Vận tải cũng công bố bản ghi âm nội dung liên lạc giữa kiểm soát viên không lưu với phi công, cho thấy máy bay chở khách được phép hạ cánh và máy bay tuần thám được yêu cầu di chuyển đến vị trí dừng chờ gần đường băng.
Theo băng ghi âm, kiểm soát viên không lưu thông báo máy bay tuần thám sẽ được cất cánh đầu tiên và yêu cầu phi cơ di chuyển đến điểm dừng chờ sát đường băng tại vị trí C5.
Tuy nhiên, cơ trưởng, thiếu tá Genki Miyamoto, 39 tuổi, dường như đã hiểu nhầm chỉ thị của kiểm soát không lưu là di chuyển tới điểm dừng chờ C5 trên đường băng. Quan chức Cục Hàng không Dân dụng Nhật Bản nói rằng bản ghi âm cho thấy phi cơ cảnh sát biển chưa được phép vào đường băng cất cánh trước khi xảy ra tai nạn.
|