Tại Liên hợp quốc, đại diện Mỹ, Hàn Quốc, Nga đã chỉ trích lẫn nhau liên quan tới nghi vấn trước đó của Washington rằng Moscow có thể đã dùng tên lửa Triều Tiên tại Ukraine.
Mảnh vỡ của một tên lửa mà chính quyền Ukraine tin rằng do Triều Tiên sản xuất và cáo buộc Nga đã sử dụng trong cuộc tấn công vào Kharkov (Ảnh: Reuters).
Reuters đưa tin, Mỹ và đồng minh ngày 10/1 tiếp tục cáo buộc Nga bắn tên lửa mua từ Triều Tiên vào Ukraine. Mỹ chỉ trích Nga vì nghi vấn nói trên, trong khi Hàn Quốc cho rằng Ukraine đang trở thành "bãi thử cho tên lửa của Triều Tiên".
Cụ thể, Đại sứ Hàn Quốc tại Liên hợp quốc Hwang Joon-kook cho rằng, Triều Tiên có thể đang thu về những thông tin có giá trị về mặt kỹ thuật và quân sự về vũ khí do nước này sản xuất khi Nga được cho đang sử dụng tên lửa Bình Nhưỡng ở Ukraine.
Ông Hwang nghi ngờ Triều Tiên coi Ukraine như "bãi thử cho tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân khi xuất khẩu vũ khí sang Nga". Theo nhà ngoại giao này, một số chuyên gia nhận định dòng tên lửa bị đưa vào tầm nghi vấn là KN-23 mà Triều Tiên tuyên bố có thể mang đầu đạn hạt nhân.
Mặt khác, Phó đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Robert Wood và đại diện các nước đồng minh khác của Mỹ cáo buộc Nga đang vi phạm nghị quyết của Liên hợp quốc.
Trước đó, Mỹ và 7 nước Anh, Pháp, Malta, Slovenia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ukraine cáo buộc Nga lợi dụng vị thế thành viên thường trực có quyền phủ quyết của Hội đồng Bảo an liên quan tới nghi vấn mua và sử dụng tên lửa Triều Tiên.
Nga và Triều Tiên nhiều lần bác bỏ thông tin rằng họ đã tiến hành bất kỳ thỏa thuận vũ khí nào nhưng năm ngoái họ cam kết sẽ tăng cường quan hệ hợp tác quân sự. Nga cũng khẳng định họ có đủ khả năng sản xuất vũ khí để sử dụng trong chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Đại sứ Nga Nebenzya cáo buộc việc các nước phương Tây triệu tập phiên họp của Hội đồng Bảo an là động thái "tuyên truyền bài Nga".
"Hôm nay, các thành viên phương Tây của Hội đồng Bảo an lặp lại thông tin rằng quân đội Nga đang sử dụng tên lửa từ Triều Tiên trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine", ông Nebenzya nói, đồng thời viện dẫn lời một đại diện của Không quân Ukraine trước đó nói họ chưa có bằng chứng cho nghi vấn nói trên.
"Vì vậy, Mỹ dường như đang lan truyền những thông tin sai trái mà không hề tốn công sức kiểm tra trước", ông Nebenzya cáo buộc.
Cuối tuần trước, Người phát ngôn Không quân Ukraine, ông Yurii Ihnat cho biết, lực lượng này không thể xác nhận thông tin về việc Nga có thể đã sử dụng tên lửa đạn đạo mua từ Triều Tiên.
"Cho đến nay, chúng tôi không có bằng chứng nào cho thấy những tên lửa như vậy (nghi do Triều Tiên sản xuất) đã được sử dụng", ông cho biết.
Ngoài ra, ông Ihnat cho biết, trong các vũ khí mà Triều Tiên sở hữu, có rất nhiều vũ khí từ thời Liên Xô, cũng như công nghệ mà Liên Xô chia sẻ cho Bình Nhưỡng.
"Thậm chí các vũ khí có thể giống hệt nhau. Vì vậy chúng ta khó có thể mong đợi thông tin gì mới. Tên lửa Iskander (của Nga và Triều Tiên) có thể khác ở một số khía cạnh, nhưng không quá nhiều", ông nói.
Ngày 6/1, Văn phòng Công tố tỉnh Kharkov (Ukraine) tung bằng chứng cho cáo buộc rằng Nga đã sử dụng tên lửa Triều Tiên.
Người phát ngôn Văn phòng Công tố Kharkov Dmytro Chubenko cho biết, dựa vào các mảnh vỡ có thể thấy tên lửa này khác biệt về mặt hình ảnh và kỹ thuật so với các mẫu của Nga.
"Đó là lý do vì sao chúng tôi nghiêng về giả thuyết đây có thể là tên lửa do Triều Tiên cung cấp", ông nói nhưng từ chối cung cấp mã định danh chính xác của tên lửa.
VietBF@sưu tập