Ông Lý Lâm, 71 tuổi, ăn bữa sáng do điều dưỡng nấu, có miếng thịt viên to bằng quả bóng bàn, bị hóc nghẹn nhưng không được sơ cứu đúng cách dẫn đến tử vong.
Vụ việc xảy ra tại quận Hải Thành, thành phố Bắc Hải, Quảng Tây.
Ông Lâm 71 tuổi, bị đột quỵ năm 2022 và phải ngồi xe lăn từ đó. Đầu năm 2023, vợ ông qua đời. Con cháu đã đã thuê một nam điều dưỡng họ Ngô, 61 tuổi, toàn thời gian để chăm sóc 24/7, lương 4.200 tệ (gần 15 triệu đồng), được nghỉ 2 ngày mỗi tháng.
Video giám sát hôm xảy ra sự việc cho thấy, khoảng 8h25 ngày 9/1, điều dưỡng viên Ngô đẩy ông Lâm trên xe lăn từ phòng ngủ ra bàn ăn ở phòng khách, sau khi rót cho cô một ly nước, ông Ngô vào bếp chuẩn bị bữa sáng.
Khoảng 8h56, ông Ngô mang bữa sáng từ bếp ra và đặt lên bàn. Bữa sáng gồm rau, bánh bao và thịt viên có kích thước bằng quả bóng bàn. Sau đó, ông Ngô lấy điện thoại di động ra chụp ảnh bữa sáng gửi vào nhóm WeChat của gia đình, đặt khăn ăn trên đùi ông Lâm, đeo yếm và nhắc bệnh nhân "đồ ăn rát nóng, hãy cẩn thận".
Cảnh ông Lâm ăn bữa sáng được camera gia đình ghi lại. Ảnh: The paper
Video giám sát cho thấy, lúc 9h35, ông Lâm đưa miếng thịt viên vào miệng, không nhai mà nuốt chửng. Ông Ngô khi này đang ở trong phòng ngủ, khi bước ra, thấy bệnh nhân đang có biểu hiện nghẹn đã liên tục vỗ vào lưng ông Lâm.
Ông Ngô hỏi: "Bác bị nghẹn à?", nhưng lúc này, ông Lâm đã không thể trả lời được nữa. Ông Ngô tiếp tục sơ cứu, ấn mạnh vào ngực ông Lâm nhiều lần nhưng tình trạng không hề cải thiện.
5 phút sau, điều dưỡng Ngô gọi điện cho con gái bệnh nhân, sống ở chung cư bên cạnh, báo tình hình... Ông Lâm được đến bệnh viện để cấp cứu nhưng tử vong lúc 12h25 do "tắc nghẽn đường hô hấp và bệnh não do thiếu oxy-thiếu máu cục bộ do hít phải hoặc nuốt phải thức ăn", theo kết luận bệnh viện.
Gia đình nạn nhân sau đó đã báo cảnh sát, cáo buộc điều dưỡng viên sơ suất gây tử vong. "Ông Ngô đã chăm bố tôi được 7 tháng, thừa hiểu tình trạng thể chất của bố tôi", con trai nạn nhân cho rằng điều dưỡng viên nên theo sát quá trình ăn uống của cha mình và sơ cứu đúng cách thì đã không xảy ra việc đáng tiếc.
Do công an địa phương cho rằng sự việc không phải án hình sự, người nhà ông Lâm quyết định đệ đơn kiện dân sự để đòi bồi thường.
Trả lời sau đó, điều dưỡng viên Ngô nói "rất tiếc" về sự cố vì coi ông Lâm như anh trai ruột. Nhưng đây không phải là lần đầu ông để bệnh nhân tự ăn thịt viên, "mấy lần trước đều không có vấn đề gì cả". Khi ông Lâm nghẹn ông Ngô nói đã rất căng thẳng, cố gắng sơ cứu nhưng bất thành. Giám đốc công ty dịch vụ điều dưỡng cho biết, ông Ngô có 3 năm kinh nghiệm, được đào tạo nghiệp vụ trước khi hành nghề.
Điều 233 Bộ luật Hình sự Trung Quốc quy định, người nào do sơ suất làm chết người thì bị phạt tù 3-7 năm. Giới luật sư đánh giá, điều dưỡng viên không trực tiếp cho ông Lâm ăn thịt viên nhưng vì là nhân viên đã được đào tạo và có giấy phép hành nghề chuyên nghiệp, ông Ngô mặc định có khả năng loại bỏ rủi ro liên quan các tình huống thế này. Thủ thuật hemlich cấp cứu hóc dị vật, cũng là kiến thức cơ bản các điều dưỡng viên đều được dạy.
"Một viên thịt có kích thước bằng quả bóng bàn thì người thường còn khó ăn, chứ đừng nói đến ông Lâm, người đang ốm nặng. Ngoài ra, ăn uống là một hoạt động rất nguy hiểm đối với những người có khả năng tự chăm sóc hạn chế", một luật sư thuộc văn phòng luật Bắc Kinh đánh giá. Vì vậy, xét về mặt chủ quan, bảo mẫu nên bị cáo buộc cẩu thả và phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Sơ suất gây tử vong
Theo luật sư, trong trường hợp này, cả công ty dịch vụ và điều dưỡng viên đều khẳng định đã tiến hành khóa đào tạo kỹ lưỡng nên cần đặt ra câu hỏi về hiệu quả của khóa học này và chứng chỉ hành nghề được cấp sau đó.
VietBF@sưu tập