Nhắc đến cua đồng, ai cũng sẽ nhớ da diết mùi vị những bữa ăn dân dã của quê hương. Ngày nay muốn ăn cua không khó, nhưng để có thời gian chế biến được một nồi cua đồng ưng ý để được "quay về với tuổi thơ" thì cũng không phải là chuyện dễ.
Nấu được món bún riêu cua khó nhất là nấu được nồi nước dùng ngọt vị cua chứ không bị tanh, bánh cua to, gạch cua vàng ươm trông đẹp mắt. Thực chất muốn nấu được như vậy đều có bí quyết, đừng bỏ qua và theo dõi chi tiết các bước thực hiện dưới đây nhé.
Chi tiết các bước làm bát bún riêu cua đồng thơm ngon
Giá trị dinh dưỡng từ cua đồng
Cua đồng không chỉ là thực phẩm quen thuộc đối với người Việt mà nó còn là vị thuốc tốt. Theo y học cổ truyền, cua đồng rất có công dụng trong việc điều trị ứ huyết do chấn thương, bầm dập.
Trong khi đó, y học hiện đại đã xác nhận cua đồng có nhiều canxi nên rất tốt cho trẻ còi xương hay người bị loãng xương.
Về mặt dinh dưỡng, cua đồng chứa rất nhiều dưỡng chất thiết yếu như vitamin (B1, B2, PP), photpho, sắt, lipid, glucid, protid, muối khoáng cùng các axit amin nên rất có tác dụng trong việc chữa sưng tấy, vết thương đụng dập, lở loét, trị trướng bụng, phù tim, viêm thận cấp, trị lở ngứa, điều hòa tâm trạng, giảm cảm giác bồn chồn, chán ăn,…
Nguyên liệu nấu bún riêu cua: 500gram cua đồng, Gạch cua, Đậu phụ chiên thái miếng vuông nhỏ, Tôm khô, Dầu ăn, dầu điều, bún.
Gia vị: Muối, hạt nêm, mắm tôm, giấm, Cà chua, các loại rau thơm ăn kèm.
Hướng dẫn nấu bún riêu cua
Xử lý và sơ chế cua đồng tại nhà
Hiện nay, bạn có thể tìm mua cua đồng và gạch cua được chế biến sẵn, đặc biệt là đối với các gia đình ở thành phố. Tuy nhiên, nếu bạn muốn tự tay thực hiện món ăn này từ A – Z thì dưới dây là cách xử lý và sơ chế cua để bạn thực hiện.
Trước hết, cua đồng mau về bạn xối qua nhiều lần với nước lạnh (không được là nước ấm hay nước lọc nhé) rồi gỡ mai và tách đôi cua ra. Tiếp theo đó, bạn dùng tăm hoặc nĩa khều gạch cua (phần màu vàng bên trong cua) ra. Còn phần xác cua bạn đem đi giã rồi xay nhuyễn.
Đối với phần xác cua đã giã và xay nhuyễn xong, bạn cho vào đó khoảng ½ muỗng cà phê muối (giúp bánh cua khi nấu sẽ to và không bị vỡ) + 1 lít nước lạnh rồi đem đi lọc qua rây khoảng 3 – 4 lần. Lúc này, bạn chỉ giữ lại phần nước mịn sàng được, phần cặn thì đem bỏ đi.
Nấu nước dùng cua đồng
Phần nước chắt được sau khi lọc cua chính là phần nước dùng chính. Lúc này, bạn bắc nồi lên bếp và đun sôi. Khi nước sôi, bạn thấy phần bánh thịt cua nổi lên thì nhanh tay dùng dụng cụ rây (đã rửa sạch và ráo nước) để vớt thịt cua ra khỏi nồi và vặn lửa nhỏ hơn.
Sơ chế các nguyên liệu khác
Cà chua thái múi cau. Sau đó bạn bắc chảo lên bếp, làm nóng khoảng 2 muỗng canh dầu điều rồi xào cùng với cà chua, đậu hũ chiên khoảng 2 – 4 phút là được.
Hành tím bạn phi thơm, sau đó cho gạch cua vào xào cùng, nêm với khoảng ½ muỗng cà phê mắm tôm. Xào xong, bạn cho toàn bộ phần gạch cua này vào nồi nước dùng cua đồng đang sôi ở bước 1.
Cho các nguyên liệu còn lại vào nước dùng
-Sau khi cho gạch cua vào nồi nước dùng và nước sôi trở lại, bạn trút tiếp phần cà chua xào cùng với đậu hũ vào nồi.
-Trong thời gian chờ nước sôi trở lại, bạn pha 2 muỗng canh mắm tôm + ½ chén con nước giấm + 1 muỗng cà phê hạt nêm, quậy đều rồi nêm vào nồi nước dùng đang nấu.
-Lúc này, bạn nêm nếm lại nồi nước dùng cho vừa khẩu vị.
Cách “ra” bún đúng điệu
Phần nước dùng quan trọng nhất cũng đã xong. Khi dùng bún, bạn trụng bún qua nước sôi rồi cho bún ra tô, sau đó xắn một ít thịt cua cho vào cùng, cuối cùng là chan nước và thêm hành, ngò lên. Vậy là đã có thể thưởng thức ngay tô bún nóng hôi hổi đậm vị quê hương rồi đấy.