Theo như mới đây đã được Mỹ công bố những hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang chế tạo phiên bản mô phỏng tàu sân bay USS Ford ở khu vực sa mạc thuộc vùng Tây Bắc nước này, khi được chụp được bức ảnh mới về tàu sân bay tại trường bắn thuộc sa mạc Taklamakan ở Tân Cương, Trung Quốc của công ty Planet Labs.
Tàu sân bay lớp Ford được Trung Quốc vẽ trên sa mạc Tân Cương (Ảnh: Chụp màn hình Twitter).
Công ty cung cấp dữ liệu vệ tinh Planet Labs của Mỹ mới đây đã công bố những hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang chế tạo phiên bản mô phỏng tàu sân bay USS Ford ở khu vực sa mạc thuộc vùng Tây Bắc nước này. Đây quả thực là một chuyện lạ! Vậy phiên bản Ford của Trung Quốc rốt cuộc trông như thế nào và tại sao Trung Quốc lại làm như vậy?
Công ty Planet Labs ngày 1/1 đã chụp được bức ảnh mới về tàu sân bay tại trường bắn thuộc sa mạc Taklamakan ở Tân Cương, Trung Quốc. Chúng ta có thể thấy toàn bộ mục tiêu được làm bằng xi măng đen, nhìn vào thì trông rất giống tàu sân bay Ford của Hoa Kỳ, phiên bản mô phỏng thậm chí còn vẽ cả đường đi của bốn Hệ thống phóng máy bay, phía sau bên phải thân tàu có cấu trúc thượng tầng cũng tương tự như tàu sân bay Ford. Chúng ta biết rằng cấu trúc thượng tầng của tàu sân bay lớp Ford khác với cấu trúc thượng tầng của tàu sân bay lớp Nimitz.
Cấu trúc thượng tầng của tàu lớp Ford nhỏ hơn, và được đặt ở phần sau của tàu sân bay, khiến toàn bộ không gian boong tàu trông lớn hơn. Chúng ta có thể thấy trên tàu sân bay xi măng này còn có nhiều điểm trắng khác nhau. Những điểm trắng này khả năng đều là các cột buồm khác nhau, và chúng được trang bị các thiết bị điện tử và gương phản xạ radar khác nhau, chủ yếu dùng để mô phỏng các đặc tính radar hoàn chỉnh của tàu sân bay Ford. Dù sao thì nó là tàu sân bay xi măng được chế tạo trên sa mạc và các đặc tính phản xạ radar của nó khác với đặc tính của một tàu sân bay thực sự. Việc xây dựng mô hình tàu sân bay USS Ford của Trung Quốc mới bắt đầu vào tháng 11 năm 2023 và rất có thể cho đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Những mô hình tàu chiến Mỹ do Trung Quốc chế tạo trên sa mạc này thực ra đã có từ rất lâu, một bức ảnh khác mà chúng ta đang xem được chụp vào ngày 28 tháng 7 năm 2023. Mọi người có thể thấy một cặp nhỏ trong số chúng xuất hiện trên sa mạc, và ngay từ năm 2021, Học viện Hải quân Hoa Kỳ đã báo cáo về các mẫu tàu sân bay này ở sa mạc Taklamakan.
Theo những bức ảnh do công ty vệ tinh Maxar cung cấp, mô hình kích thước đầy đủ của 1 tàu sân bay Mỹ và ít nhất 2 tàu khu trục lớp Arleigh Burke đã xuất hiện ở sa mạc Taklamakan.
Những mô hình này đều nằm ở huyện Nhược Khương, Tân Cương. Trung đoàn 20 và trung đoàn 36 của Quân đoàn Xây dựng Tân Cương nằm ở huyện Nhược Khương này. Hồ La Bố chính là ở đây. Quả bom nguyên tử đầu tiên của Trung Quốc chính là được kích nổ ở nơi đây, nơi này nằm trong khu vực sa mạc, và hơn hết đây là trung tâm thử nghiệm quân sự của Bắc Kinh. Địa điểm này gần một trường bắn cũ mà Trung Quốc dùng để thử 2 phiên bản đầu của tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D, loại được mệnh danh là sát thủ diệt hạm.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc tiếp tục tập trung nâng cao năng lực chống hạm, trọng tâm là các tàu chiến Mỹ. Khác với mục tiêu hình tàu sân bay mà Hải quân Iran tạo ra trên Vịnh Ba Tư, cơ sở mới của Trung Quốc cho thấy phạm vi mục tiêu phức tạp hơn. Phân tích các ảnh vệ tinh trước đó cho thấy cấu trúc mô phỏng tàu sân bay này được làm từ tháng 3-4/2019. Nó được làm lại nhiều lần rồi gỡ ra vào tháng 12/2019.
Xét từ hình dáng thì đó rõ ràng là Tàu khu trục lớp Arleigh Burke. Mẫu tàu khu trục này được mô phỏng từ trước ra sau với pháo ở phía trước, hệ thống phóng thẳng đứng và hai ống khói trên cầu tàu, hệ thống phóng thẳng đứng và bãi đáp trực thăng ở phía sau thân tàu. Ngoài những tàu sân bay và tàu khu trục bê tông này, trên sa mạc còn có đường ray xe lửa. Những hình ảnh được chụp cho thấy một mục tiêu dài 76 mét di chuyển trên đường ray rộng 6 mét, và được trang bị một số lượng lớn thiết bị điện tử. Đây có lẽ là dùng để mô phỏng tàu chiến đang di chuyển.
Một máy bay chiến đấu đáp xuống tàu sân bay USS Gerald R. Ford của Mỹ ở Biển Bắc ngoài khơi Đan Mạch vào ngày 22/5/2023. (Ảnh: HAKON MOSVOLD LARSEN/NTB/AFP) via Getty Images)
Câu hỏi tiếp theo là tại sao Trung Quốc lại tốn công sức như vậy để chế tạo những mô hình tàu sân bay và tàu chiến Mỹ này ở sa mạc vùng Tây Bắc? Họ thậm chí còn xây dựng một đường ray để những mô hình này có thể di chuyển với tốc độ mau chóng. Kỳ thực Trung Quốc triển khai những mô hình này, chủ yếu là phục vụ mục đích thử nghiệm. Trong 10 năm qua, Trung Quốc đã liên tục phát triển 2 tên lửa đạn đạo chống hạm được gọi là sát thủ tàu sân bay, lần lượt là Đông Phong 21D và Đông Phong 26B.
Tên lửa Đông Phong 21D là tên lửa đạn đạo đối hạm tầm trung đời thứ hai. Tên lửa hoạt động bằng nhiên liệu rắn cấp 2. Nó cũng là một loại tên lửa đạn đạo chống hạm và có khả năng tấn công các loại tàu lớn bao gồm cả tàu sân bay. Tên lửa dài gần 11m, có tốc độ gấp 10 lần tốc độ âm thanh với tầm bắn hiệu quả 2700km. Nếu phóng từ Chiết Giang, nó có thể bao phủ toàn bộ khu vực eo biển Đài Loan và Nhật Bản.
Còn Đông Phong 26B có tầm bắn lên tới hơn 4.000 km. Nếu phóng từ khu vực Thanh Hải, tầm bắn có thể bao trùm Biển Đông và khu vực eo biển Đài Loan. Bản thân những tên lửa này là tên lửa đạn đạo, có tầm bắn xa và tốc độ đầu cuối nhanh, nhưng lại tồn tại một vấn đề.
Tên lửa đạn đạo thông thường đều được sử dụng để tấn công các mục tiêu trên mặt đất, nhưng sử dụng tên lửa đạn đạo để tấn công tàu sân bay đồng nghĩa với việc không chỉ tên lửa đạn đạo phải có độ chính xác cực cao, mà chúng còn phải có khả năng nhận dạng và tấn công các mục tiêu đang di chuyển. Bởi vì tàu chiến Mỹ chắc chắn sẽ không nằm yên một chỗ. Mà cách giải quyết vấn đề này cũng không khó, chính là lắp đặt thiết bị radar và hồng ngoại trên tên lửa đạn đạo, để khi chúng quay trở lại bầu khí quyển thì bật radar lên tìm kiếm trên mặt biển, như vậy sẽ xác định được tàu chiến Mỹ, sau đó sửa đổi quỹ đạo đạn đạo để tấn công.
Kiểu tấn công như vậy trên thực tế là hoàn toàn học theo tên lửa đạn đạo Pershing-2 của Mỹ. Việc phát triển bất kỳ hệ thống vũ khí nào cũng đều phải được thử nghiệm, nhưng Trung Quốc phải đối mặt với một thách thức lớn nếu nước này muốn tiến hành thử nghiệm. Bởi vì vùng biển xung quanh Trung Quốc nếu không phải là Biển Hoa Đông, thì chính là Biển Đông, hoặc là eo biển Đài Loan. Trước hết, những vùng biển này là những khu vực rất tấp nập. Nếu phải thử nghiệm thường xuyên, thì sẽ mang đến phiền phức rất lớn cho các hoạt động thương mại, ngoài ra, nếu tên lửa gặp sự cố, không may rơi xuống Quảng Châu, Thượng Hải, Hàng Châu, hoặc các khu vực khác thì cũng sẽ rất tệ hại.
Vì vậy, những cuộc thử nghiệm như vậy nhất định phải được tiến hành ở nơi vắng vẻ. Một điểm quan trọng hơn là Mỹ có các phương pháp giám sát rất mạnh ở các khu vực ven biển phía đông Trung Quốc, ví như Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) được triển khai ở Hàn Quốc và Radar cảnh giới tầm xa Pave Paws được triển khai ở Đài Loan; chúng đều có thể nhìn rõ tên lửa đạn đạo của Trung Quốc. Vậy nên Trung Quốc không còn cách nào khác là chuyển địa điểm thử nghiệm sang khu vực sa mạc phía Tây Bắc.
Nhưng có hai điểm chúng ta vẫn cần chỉ ra: Thứ nhất, ngay cả khi Trung Quốc chuyển địa điểm thử nghiệm sang vùng sa mạc Tây Bắc này, Mỹ và các đồng minh vẫn có thể nhìn rõ dữ liệu bay của tên lửa, ví như radar Pave Paws của Đài Loan có cự ly thăm dò có thể lên tới 5.000 km, cự ly thăm dò của Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối cũng có thể đạt tới 2.000 - 3.000 km.
Tên lửa Đông Phong 21-D diễu hành tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh vào ngày 3/9/2015. (Ảnh: GREG BAKER/AFP via Getty Images)
Lấy một ví dụ đơn giản, cách đây một thời gian, trước cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan, Bộ Quốc phòng Đài Loan đã đưa ra cảnh báo cấp quốc gia, nói rằng Trung Quốc đã phóng một tên lửa vệ tinh bay về phía bầu trời Đài Loan, người dân Đài Loan đều biết về thông tin này. Chúng ta tạm thời không quan tâm vấn đề này đúng hay sai từ góc độ chính trị, nhưng từ góc độ quân sự, nó nói với chúng ta rằng bất kỳ tên lửa nào được phóng từ Trung Quốc đều có thể bị radar Pave Paws của Đài Loan phát hiện. Tên lửa lần này được phóng từ Căn cứ phóng vệ tinh Tây Xương ở Tứ Xuyên, khoảng cách theo đường thẳng tới Đài Loan là khoảng 2.000 km.
Cũng chính là nói phần lớn các cuộc thử nghiệm tên lửa được thực hiện ở Trung Quốc, chỉ cần tên lửa được bắn, Đài Loan và Hoa Kỳ đều có dữ liệu của chúng, đều có thể thấy được rất rõ.
Điểm thứ hai là các cuộc thử nghiệm được tiến hành ở khu vực sa mạc và trên biển hoàn toàn khác nhau, đơn giản là do đặc điểm tiếng vang của radar không giống nhau, đặc điểm tiếng vang của đại dương phức tạp hơn, do đại dương chấn động liên tục… Do đó, trong giai đoạn đầu của radar, radar thăm dò mặt đất và radar thăm dò mặt biển thường có nhiều mẫu khác nhau.
Nếu muốn mô phỏng hoàn toàn môi trường đại dương trong môi trường sa mạc, đó là điều tương đối khó khăn. Về tên lửa đạn đạo chống hạm của Trung Quốc, điều khiến chúng ta khó hiểu nhất là không có thêm vụ thử nghiệm mục tiêu hàng hải nào trong thời gian hơn 3 năm qua. Vụ thử gần đây nhất là vào tháng 8 năm 2020. Khi đó, Trung Quốc đã bắn thử 4 tên lửa đạn đạo chống hạm vào phía Biển Đông. Theo kết quả phát hiện của quân đội Mỹ, 2 quả tên lửa Đông Phong-21 được phóng từ Chiết Giang; 2 quả tên lửa Đông Phong-26 được phóng từ Cam Túc. Thế nhưng chỉ có 2 trong số 4 tên lửa này bắn trúng tàu mục tiêu, còn 2 tên lửa còn lại không rõ tung tích. Trên Internet có thông tin rằng, dường như 1 quả tên lửa đã rơi vào Quảng Tây. Mọi người hãy chú ý rằng đây đã là tin tức năm 2020, còn thời điểm hiện tại đã là năm 2024, và Trung Quốc chưa bao giờ tiến hành bất kỳ cuộc thử nghiệm nào đối với các tàu mục tiêu trên biển.
Nhiều người có thể thắc mắc liệu Trung Quốc có đang bí mật thực hiện việc này hay không, chỉ là chúng ta không biết mà thôi, tuy nhiên khả năng này là cực kỳ thấp. Có hai nguyên nhân. Thứ nhất, bất kỳ tên lửa nào do Trung Quốc phóng đều có thể bị Hoa Kỳ và Đài Loan phát hiện. Thứ hai, nếu anh muốn thử nghiệm nhắm vào mục tiêu trên biển, anh phải đưa ra vùng cảnh báo để thông báo cho tàu dân sự rằng bạn không thể đi vào khu vực nào đó tại một thời điểm nào đó, vì tên lửa đang được thử nghiệm có thể rơi trúng đầu bạn.
Mấy năm qua, Trung Quốc chỉ phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn trong chuyến thăm Đài Loan của Cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ là bà Nancy Pelosi. Ngoài ra, chúng ta chưa bao giờ thấy tin tức như vậy từ Trung Quốc, nên về cơ bản có thể kết luận rằng Trung Quốc đã không phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo chống hạm trên biển nào như vậy trong 4 năm qua.
Về mặt logic, thì điều này rất không phù hợp với lý thông thường. Trong thử nghiệm 4 năm trước, tỷ lệ bắn trúng của họ chỉ là gần 50%, và hiệu quả có thể nói là không đạt yêu cầu. Vậy thì nếu muốn cải thiện hiệu suất của vũ khí, bạn phải nâng cấp nó và tiến hành thử nghiệm mới có thể được xác minh được. Tuy nhiên, quân đội Trung Quốc đã không làm điều này. Một khả năng rất lớn chính là Trung Quốc nhận thức được rằng hệ thống vũ khí của mình có một số sai sót nhất định về kỹ thuật, e rằng sẽ khó có thể thay đổi những vấn đề này trong thời gian ngắn.
Xin đưa ra mấy ví dụ như thế này cho quý vị. Lần thứ hai lực lượng vũ trang Houthi tấn công tàu dân sự biển Đỏ, họ đã sử dụng rất nhiều tên lửa đạn đạo chống hạm. Tên lửa đạn đạo chống hạm của Houthi kỳ thực đến từ Iran, trong khi công nghệ của Iran lại đến từ Trung Quốc. Vì vậy, bằng cách nghiên cứu chiến trận ở Biển Đỏ, chúng ta có thể phân tích uy lực của tên lửa đạn đạo chống hạm rốt cuộc mạnh đến mức nào.
Chúng ta biết rằng các tàu dân sự có thể nói là hoàn toàn bất lực trong việc chống trả các cuộc tấn công, do thể tích của chúng quá lớn trong khi tốc độ lại khá chậm, khiến chúng trở thành mục tiêu lý tưởng của Houthi. Trên thực tế, trong vài tháng qua, nhiều tên lửa đạn đạo chống hạm do Houthi phóng gần như không thể bắn trúng mục tiêu, hoặc bị tên lửa đạn đạo của Mỹ đánh chặn, tỷ lệ bắn trúng mục tiêu của Houthi thực tế là rất thấp.
Chúng ta hãy xem lại báo cáo này ngày 15/1. Bộ Tư lệnh Trung tâm Hoa Kỳ ra tuyên bố cho biết một tàu container của Mỹ bị trúng tên lửa đạn đạo chống hạm do lực lượng vũ trang Houthi phóng khi đi ngang qua biển Đỏ, con tàu này tên là Gibraltar Eagle, nhưng kết quả là gì đây? Chúng ta hãy xem tuyên bố của Bộ Tư lệnh Trung tâm Hoa Kỳ, tuyên bố nói rằng mọi người trên tàu Gibraltar Eagle không có ai bị thương và không có thiệt hại lớn nào. Con tàu tiếp tục hành trình dọc theo tuyến đường.
Tóm lại một câu, chính là hầu hết tên lửa đạn đạo chống hạm của nhóm vũ trang Houthi đều không thể bắn trúng mục tiêu, cho dù có bắn trúng mục tiêu cũng không có thiệt hại và không có thương vong. Vũ khí như vậy mà đòi mang ra để tấn công các tàu sân bay và hạm đội hàng hải của Hoa Kỳ, đó không phải là chuyện cười hay sao? Anh thậm chí không thể bắn trúng tàu container dân sự, và ngay cả khi anh bắn trúng, thì cũng sẽ không gây ra bất kỳ thiệt hại nào. Qua đó cũng đủ biết tên lửa Đông Phong sẽ có hiệu quả thế nào trong thực chiến.
Đó là chưa kể Lực lượng tên lửa chiến lược của Trung Quốc suốt hơn 1 năm nay đang sôi sục trong các cuộc đấu đá nội bộ. Ông Tập Cận Bình đã phải liên tục xuống tay thanh trừng chính những đàn em mà ông trực tiếp cất nhắc, bổ nhiệm. Gần đây lại còn xuất hiện thông tin bên trong tên lửa Trung Quốc chứa đầy nước chứ không phải nhiên liệu, về cơ bản không thể sẵn sàng chiến đấu. Những tai tiếng đó đang bào mòn lực lượng tên lửa, vốn mang hy vọng của ông Tập là quân át chủ bài đánh bại quân đội Mỹ. Viên Minh