Kính James Webb của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) phát hiện một thiên hà 13 tỉ năm tuổi với cấu trúc quá phức tạp để tồn tại trong giai đoạn vũ trụ sơ khai.
Mũi tên xanh chỉ về hướng thiên hà JWST-7329
JWST NIRCAM
Các nhà khoa học đã theo dõi thiên hà có tên ZF-UDS-7329 trong một khoảng thời gian, nhưng họ chưa thể quan sát được đủ gần, cho đến khi NASA triển khai kính James Webb vào không gian.
Trưởng nhóm Karl Glazebrook, nhà thiên văn học của Đại học Công nghệ Swinburne (Úc), cho biết nhờ kính James Webb, đội ngũ của ông cuối cùng có thể nghiên cứu thiên hà ở cách trái đất khoảng 11,5 tỉ năm ánh sáng.
Nhóm chuyên gia phát hiện ZF-UDS-7329 dường như phát triển hơn nhiều so với các thiên hà cùng thời, theo báo cáo đăng trên chuyên san Nature.
ZF-UDS-7329 sở hữu số lượng sao cao gấp 4 lần so với Dải Ngân hà. Những sao này vào khoảng 1,5 tỉ năm tuổi, có nghĩa thiên hà trên khoảng 13 tỉ năm tuổi.
Theo các mô hình vũ trụ hiện tại, sự tồn tại của ZF-UDS-7329 đáng lẽ không thể xảy ra, vì trong giai đoạn vũ trụ sơ khai, vật chất tối được cho không đủ sức tạo nên một thiên hà có kích thước ở mức đó.
Vật chất tối chiếm hơn 80% vũ trụ. Các nhà khoa học đến tận bây giờ vẫn chưa hiểu cũng như chưa từng thấy qua vật chất tối, mà chỉ có thể đoán được sự hiện diện của nó thông qua cách thức vật chất tối thao túng ánh sáng truyền đi trong vũ trụ.
"Sự tồn tại của những thiên hà khổng lồ như thế này trong giai đoạn đầu của vũ trụ đang mang đến thách thức đáng kể cho sự hiểu biết của nhân loại về mô hình tiêu chuẩn của vũ trụ", theo đồng tác giả báo cáo Claudia Lagos, trợ lý giáo sư Đại học Tây Úc.
Một điều bất thường khác là ZF-UDS-7329 dường như không tiếp tục tiến hóa, mà thay vào đó trong tình trạng yên lặng.
"Phát hiện trên đang thách thức các ranh giới hiểu biết hiện tại của chúng ta về cách thức các thiên hà hình thành và tiến hóa", tác giả báo cáo Themiya Nanayakkara của Đại học Công nghệ Swinburne nhận xét.
VietBF@sưu tập