Sỏi túi mật không có triệu chứng, thường phát hiện tình cờ qua siêu âm, phổ biến ở người lười vận động, béo phì, nhịn ăn kéo dài...
TS.BS Trần Ngọc Dũng Khoa, Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết túi mật là một túi nhỏ hình quả lê nằm ở mặt dưới gan (phía trên bên phải của ổ bụng), là một phần của hệ thống tiêu hóa. Chức năng chính của túi mật là cô đặc và lưu trữ dịch mật, liên kết cùng hệ thống đường mật để vận chuyển mật từ gan xuống tá tràng. Khi chúng ta ăn các thức ăn có chứa dầu, mỡ, túi mật sẽ co bóp để đẩy dịch mật xuống tá tràng để trộn lẫn với thức ăn giúp tiêu hóa chất béo.
Sỏi túi mật có ba loại chính:
- Sỏi cholesterol: Trong thành phần có chứa nhiều cholesterol, màu vàng nhạt, xanh đậm, nâu hoặc trắng phấn, hình bầu dục, dài từ hai đến ba cm, mỗi viên có một đốm nhỏ sẫm màu ở trung tâm.
- Sỏi sắc tố mật (sỏi bilirubin): Kích thước nhỏ, sẫm màu, thường là màu đen. Sỏi sắc tố mật cấu tạo chủ yếu từ bilirubin và muối canxi (canxi photphat), chứa ít cholesterol, thường hình thành với số lượng lớn, liên quan với nhiễm trùng và giun sán đường mật.
- Sỏi hỗn hợp: Là loại hỗn hợp của hai loại trên và thường có hàm lượng canxi cao. Loại sỏi này thường hình thành thứ phát sau nhiễm trùng đường mật.
Nhóm nguy cơ:
- Nữ giới trên 40 tuổi.
- Tiền sử gia đình bị sỏi túi mật.
- Người nhịn ăn kéo dài, giảm cân nhanh chóng.
- Người béo phì hoặc chế độ ăn giàu chất béo, cholesterol và ít chất xơ.
- Người lười vận động.
- Phụ nữ đang dùng thuốc tránh thai có chứa estrogen.
- Người có bệnh viêm đường ruột như bệnh Crohn, viêm loét đại tràng...
Triệu chứng và các biến chứng
Hầu hết người bệnh không có triệu chứng, sỏi túi mật được phát hiện tình cờ qua siêu âm ổ bụng hoặc khi đi khám vì các vấn đề khác.
- Đau: Triệu chứng đau dữ dội xuất hiện khi sỏi làm tắc ống túi mật, vì túi mật vẫn thường co bóp và làm sỏi di chuyển. Cơn đau cũng thường xảy ra sau bữa ăn nhiều thịt, giàu mỡ khiến túi mật co thắt đột ngột, gia tăng sức ép của sỏi lên thành túi mật. Vị trí đau thường ở giữa hoặc bên phải của phần trên ổ bụng, có thể lan ra sau lưng hoặc lan lên vai phải. Cơn đau có thể kéo dài đến 60 phút và giảm dần vài tiếng tiếp theo. Trong cơn đau người bệnh có cảm giác nhức nhối, căng phồng, có thể buồn nôn và nôn.
- Sốt, ớn lạnh: Triệu chứng này thường xuất hiện khi sỏi đã gây biến chứng viêm túi mật thậm chí viêm đường mật. Tình trạng viêm túi mật cấp có thể tiến triển đến hoại tử túi mật, thủng túi mật gây viêm phúc mạc mật phải mổ cấp cứu.
- Đau dữ đội vùng thượng vị xuyên ra sau lưng: Thường gặp khi sỏi túi mật rơi xuống đường mật và làm tắc ống tụy gây ra viêm tụy cấp.
- Vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm màu, phân nhạt màu: Các triệu chứng này thường gặp khi sỏi rơi xuống đường mật làm tắc ống mật, mật không thể xuống ruột và ngấm trở lại vào máu.
Điều trị sỏi túi mật:
Điều trị nội khoa:
- Các thuốc tan sỏi (chứa axit mật): Tác dụng của các thuốc này còn hạn chế, chủ yếu dùng trong phòng ngừa tạo sỏi ở người bệnh có nguy cơ cao bị sỏi túi mật hoặc phá vỡ các sỏi cholesterol có kích thước nhỏ. Người bệnh phải dùng thuốc hàng tháng hoặc hàng năm để đạt được hiệu quả điều trị. Thuốc điều trị sỏi túi mật thường được chỉ định khi chưa có các triệu chứng và biến chứng, sỏi chưa bị canxi hóa, số lượng sỏi ít, chức năng túi mật còn tốt, người bệnh chưa muốn phẫu thuật hoặc chống chỉ định phẫu thuật.
- Tán sỏi túi mật qua da: Phương pháp này tán sỏi thành các mảnh nhỏ sau đó lấy qua da hoặc đẩy xuống tá tràng, thường chỉ định khi chức năng túi mật còn tốt, chưa có các triệu chứng và biến chứng của sỏi túi mật. Tuy nhiên, bệnh nhân cần theo dõi định kỳ vì túi mật vẫn có thể tạo sỏi khi các yếu tố nguy cơ chưa được kiểm soát.
- Dẫn lưu túi mật qua da: Đây là phương pháp tạm thời áp dụng khi viêm túi mật ở những bệnh nhân già yếu, có nhiều bệnh lý nền gây khó khăn cho gây mê hồi sức và phẫu thuật.
Điều trị ngoại khoa: Phẫu thuật cắt túi mật được xem như là phương pháp duy nhất được chọn trong điều trị ngoại khoa sỏi túi mật. Có hai phương pháp là mổ mở hoặc mổ nội soi, được chỉ định cho các trường hợp sỏi túi mật có triệu chứng hoặc biến chứng. Trong trường hợp sỏi chưa gây biến chứng nhưng kích thước quá lớn hoặc quá nhỏ, bệnh nhân có thể phẫu thuật cắt túi mật.
Lưu ý khi điều trị
- Ăn chín, uống sôi, không ăn đồ tái, đồ sống.
- Uống đủ nước.
- Tăng cường ăn rau xanh, trái cây, hạn chế đồ ăn nhiều dầu, mỡ.
- Tăng cường tập thể dục thể thao.
- Duy trì cân nặng trong chuẩn mực, không để thừa cân béo phì, cũng không nên giảm cân quá nhanh chóng.
|
|