Yêu đương là chuyện của hai người, nhưng quyết định gắn kết cả đời, làm gia đình của nhau thì còn là chuyện của hai gia đình.
"Đừng chỉ yêu em thôi, xin hãy tôn trọng cả gia đình em nữa"
Nếu không có gì bất ngờ, một cuộc hôn nhân giữa các cặp đôi đều đi theo đầy đủ quy trình: tìm hiểu hẹn hò, yêu đương, quyết định gắn kết và làm lễ cưới, sinh con đẻ cái, chung sống cùng nhau suốt phần đời còn lại. Tất nhiên, sẽ có người đi khác hướng. Việc kết đôi và quyết định làm vợ chồng là chuyện của riêng hai người, nhưng trong bức tranh đó, bố mẹ gia đình đôi bên cũng cần được tham dự.
"Tham dự" ở đây chưa bao giờ có nghĩa là can thiệp, cấm cản hay phản đối, đưa ra quyết định hộ họ. "Tham dự" ở đây là được cùng kết nối, xây dựng tình cảm với người mà con trai hoặc con gái mình yêu thương. Không phải tự nhiên người ta có thể gọi một người xa lạ, không máu mủ là "con dâu", "con rể". Từ "con", "bố" và "mẹ" là những mối quan hệ thiêng liêng, gắn kết nhất trên đời này. Đó là mối quan hệ người thân được xây dựng dựa trên tình yêu thương. Vì bố mẹ yêu thương con mình, nên cũng yêu thương người con mình yêu thương.
Nhắc đến chuyện cưới xin, sẽ có người cho rằng đó là điều bắt buộc khi một cặp đôi quyết dọn về ở chung một nhà và sinh con. Cũng có người coi đây chỉ là hình thức bên ngoài, có cũng được, không có cũng không phải chuyện thảm hoạ. Nếu có một cô gái nào đó nói "Em không cần cưới, em chỉ cần ở bên anh thôi, không cần cam kết xác nhận", nhiều khả năng cô ấy đang nói dối, hoặc tự mình lừa mình để trốn tránh nỗi sợ.
Nhưng chúng ta mới chỉ nhìn nhận vấn đề dưới góc độ của những người trẻ, những người thường có tư tưởng phóng khoáng, ít bị trói buộc bởi quan niệm tiêu chuẩn xã hội hơn. Với hầu hết người lớn thuộc thế hệ trước, cưới xin không phải là chuyện bắt buộc, nó là một sự khẳng định, mà trên nữa, là sự tôn trọng.
Hôn nhân là chuyện của hai gia đình
Hãy thử đặt vị trí của mình vào vai một ông bố bà mẹ trung niên sinh ra và lớn lên ở thế hệ trước, mang những quan điểm truyền thống tốt đẹp. Nếu một ngày, con gái bạn đưa một chàng trai về nhà và nói đây là người con muốn lấy làm chồng, chúng ta sẽ vui mừng vì con hạnh phúc. Sau đó, chúng ta lại lo lắng đủ điều: liệu người đàn ông này có đáng tin cậy không, có khả năng chung sống hạnh phúc với con gái mình cả đời không? Những nỗi lo đó hoàn toàn thực tế, và đều xuất phát từ tình yêu thương sâu đậm. Với phía mẹ chồng bố chồng, diễn biến tâm lý của họ cũng sẽ như vậy.
Một trong những việc đầu tiên có thể xác nhận một chàng trai có đáng tin cậy hay không là sự chủ động và chắc chắn của họ. Nếu muốn chung sống với một cô gái cả đời, người đó tất nhiên phải hỏi cưới và tổ chức một đám cưới hạnh phúc. Hôn lễ không cần hoành tráng, không cần đông khách khứa, điều chúng ta cần là một nghi thức lãng mạn và đáng để kỷ niệm. Đó là một trong những hành vi tự nhiên khi yêu, cũng là trách nhiệm nên có của mỗi người trưởng thành.
Thế nên nếu con gái của bạn không được tổ chức hôn lễ, thậm chí không được hỏi cưới thì dù vì bất kỳ lý do nào, bạn cũng sẽ đau buồn và cảm thấy không được tôn trọng. Ở đây, người không được tôn trọng bao gồm cả người phụ nữ và gia đình của cô ấy. Nhất là ở trong một xã hội mà người con gái vẫn bị cho là thiệt thòi và phải hy sinh nhiều hơn cho gia đình do thiên chức làm mẹ, sự vững vàng của người đàn ông phải đủ mới khiến bố mẹ cô yên lòng.
Việc cưới xin chẳng khó khăn đến thế, nhất là trong hoàn cảnh không bị vướng bận bởi tài chính, vậy tại sao không làm được?
Khi một cô gái tủi thân vì người mình yêu không cam kết, bố mẹ của cô ấy cũng tủi thân y như vậy, hoặc thậm chí hơn nữa. Cuộc hôn nhân đó, mối quan hệ đó có vững chắc không, khi chúng ta không thể nhường một bước hoàn toàn có thể nhường được?
Đàn ông sao Hoả, đàn bà sao Kim, cách nghĩ và cách phản ứng trong tình yêu của hai giới từ đầu đã luôn có nhiều điểm khác biệt. Nhưng khi yêu, chúng ta luôn có thể cùng ngồi xuống bàn luận và tìm ra giải pháp hài hoà cho mọi vấn đề, thay vì phân anh thắng hay tôi thắng. Đó mới là cách yêu đúng đắn và trưởng thành.
VietBF@ sưu tập
|
|