Hiện Ukraine đang đối mặt thách thức đặc biệt khi phải sửa chữa pháo viện trợ từ các nước phương Tây kể từ lúc Mỹ ngừng cung cấp linh kiện thay thế vào vài tháng trước.
Quân nhân Ukraine khai hỏa pháo M777 ở tiền tuyến (Ảnh: Reuters).
Khi không có nguồn cung từ nước xuất xứ, sản xuất phụ tùng trong nước còn hạn chế, và chiến trường không cho phép chậm trễ, thợ cơ khí Ukraine buộc phải "chắp vá", tức là dùng bộ phận của các khẩu pháo khác nhau để sửa một hệ thống.
Quy mô vấn đề nghiêm trọng đến mức một xưởng sửa chữa tại Ukraine cần phải đồng thời lưu kho 20 khẩu pháo các loại chỉ để lấy phụ tùng thay thế, Wall Street Journal đưa tin.
Trong lúc đến thăm cơ sở sửa chữa nói trên, phóng viên của Wall Street Journal đã mục sở thị cách thợ cơ khí sửa chữa một khẩu M777 - được mệnh danh là "vua pháo" - bị hư hỏng sau các trận đánh ở miền đông Ukraine bằng cách lấy bộ phận từ 8 khẩu khác.
Chỉ khoảng 20% phụ tùng thay thế M777 có thể được sản xuất tại Ukraine (như ống mềm, hệ thống thủy lực và một số thiết bị đo lường nhất định). Quá trình sửa chữa sẽ mất 2 tuần sau khi những người thợ cơ khí nhận được các cấu kiện cần thiết.
Theo Defense Express, yếu tố chính gây ra tình trạng thiếu phụ tùng thay thế là do Mỹ và các nước phương Tây chuyển pháo cho Ukraine nhưng gần như không lên kế hoạch bảo dưỡng.
Ngoài ra, cường độ sử dụng pháo binh ở Ukraine hóa ra cao hơn nhiều lần so với dự đoán. Chẳng hạn, nòng pháo thường cần được thay thế sau trung bình 2.500 phát bắn, nhưng lính pháo binh Ukraine phải cố gắng bắn 5.000 phát trở lên.
Hiện tại, quân đội Ukraine sử dụng 14 loại pháo khác nhau của phương Tây, chưa kể các loại pháo từ thời Liên Xô. Nòng dự phòng cho mỗi loại đều thiếu hụt.
Không chỉ pháo binh, Ukraine cũng gặp khó khăn trong công tác bảo dưỡng các phương tiện khác. Lầu Năm Góc không có kế hoạch bảo trì các loại thiết giáp Bradley, Stryker và Abrams mà họ đã cung cấp cho Ukraine, bao gồm cả việc đào tạo thợ máy Ukraine, Wall Street Journal dẫn báo cáo được công bố hồi tháng 1 của tổng thanh tra Bộ Quốc phòng Mỹ.
Theo Sebastian Schäfer, một nhà lập pháp Đức, vấn đề về bảo trì khiến khoảng một nửa số xe tăng Leopard 2 mà Berlin gửi cho Kiev hiện không còn hoạt động.
VietBF@ sưu tập