Cựu quan chức ngoại giao Jeremiah Manele, người mang quan điểm thân Trung Quốc, được bầu làm tân Thủ tướng Quần đảo Solomon.
Toàn quyền Quần đảo Solomon David Vunagi ngày 2/5 tuyên bố ông Jeremiah Manele, 56 tuổi, đã giành được 31 phiếu ủng hộ trong cuộc bỏ phiếu kín gồm 50 nghị sĩ và sẽ trở thành Thủ tướng.
Đối thủ của ông Manele, lãnh đạo phe đối lập lâu năm Matthew Wale, chỉ giành 18 phiếu bầu. Ông Wale có quan điểm hạn chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại quốc gia Thái Bình Dương này. Thủ tướng đương nhiệm Manasseh Sogavare rút khỏi cuộc bỏ phiếu từ đầu tuần này sau khi không đảm bảo được đa số phiếu.
Trong lúc diễn ra cuộc bỏ phiếu kín, lực lượng cảnh sát Quần đảo Solomon phải tuần tra quanh tòa nhà quốc hội, nhằm ngăn xảy ra tình trạng bất ổn từng gây khó khăn cho các cuộc bầu cử trong quá khứ.
"Người dân đã nói lên nguyện vọng của họ. Hôm nay chúng ta đã cho thế giới thấy chúng ta tốt hơn thế", ông Manele phát biểu, đồng thời ca ngợi cuộc bỏ phiếu năm nay đã không xảy ra bạo lực.
Ông Jeremiah Manele tại Bắc Kinh, Trung Quốc, hồi tháng 9/2019. Ảnh: AFP
Ông Manele là cựu quan chức ngoại giao mang quan điểm thân Trung Quốc. Ông giữ chức Ngoại trưởng vào năm 2019, khi Quần đảo Solomon cắt quan hệ với đảo Đài Loan và quay sang thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh.
Thủ tướng tương lai của Quần đảo Solomon cam kết thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc, tập trung vào cải thiện nền kinh tế và đưa đất nước hồi phục hậu đại dịch Covid-19.
Ông Manele cho biết các dự luật thuế giá trị gia tăng, thành lập đặc khu kinh tế và quy định về tài nguyên quốc gia sẽ là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của chính phủ ông.
Là quốc gia có 700.000 dân được tạo thành từ 6 đảo lớn và khoảng 900 đảo nhỏ hơn, Quần đảo Solomon đã chứng kiến những giai đoạn căng thẳng sắc tộc. Australia, New Zealand và các quốc đảo Thái Bình Dương khác từng triển khai nhanh lực lượng để giúp quần đảo này khôi phục trật tự.
Sau khi cắt quan hệ với Đài Loan, quan hệ giữa Quần đảo Solomon và Trung Quốc thân thiết hơn. Năm 2023, Trung Quốc và Quần đảo Solomon ký thỏa thuận tăng cường hợp tác về thực thi pháp luật và các vấn đề an ninh. Trước đó hai nước còn ký thỏa thuận an ninh bí mật, có thể cho phép lực lượng quân sự của Trung Quốc đồn trú ở Nam Thái Bình Dương.