Béo bụng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường và tim mạch, ảnh hưởng trao đổi chất, hô hấp, làm rối loạn chức năng miễn dịch.
1. Tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính
Khi cơ thể trao đổi chất, mỡ bụng giải phóng các hóa chất gây viêm có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2, bệnh tim và một số loại ung thư. Mỡ nội tạng tác động đến các cơ quan quan trọng bao gồm tuyến tụy và gan, cũng như làm tăng nguy cơ kháng insulin và hội chứng chuyển hóa.
2. Nguy cơ tim mạch tăng cao
Có mối tương quan đáng kể giữa béo bụng và nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Béo bụng dễ dẫn đến sự tích tụ mảng bám trong động mạch, làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, đau tim và đột quỵ. Mỡ bụng dư thừa thường liên quan đến cấu hình lipid không thuận lợi, được biểu hiện bằng mức cholesterol HDL thấp và mức chất béo trung tính, cholesterol LDL cao.
3. Ảnh hưởng đến sức khỏe trao đổi chất
Mỡ nội tạng gây ra tình trạng kháng insulin và rối loạn lipid máu bằng cách can thiệp vào quá trình trao đổi chất, làm đảo lộn sự cân bằng nội tiết tố. Kháng insulin là hậu quả của béo bụng và nếu không được kiểm soát có thể dẫn đến đường huyết cao, bệnh tiểu đường.
4. Tác động tới chức năng hô hấp
Vùng bụng quá nặng có thể gây khó thở, bao gồm ngưng thở khi ngủ và suy hô hấp. Khi bạn ngủ, chất béo tích tụ quanh ngực và bụng có thể cản trở sự giãn nở của phổi và khiến bạn thở nông, từ đó dễ làm trầm trọng thêm các vấn đề về hô hấp.
5. Tăng nguy cơ rối loạn chức năng miễn dịch và chống viêm
Các cytokine và adipokine do mỡ nội tạng tiết ra là nguyên nhân gây viêm mãn tính ở mức độ thấp. Nhiều bệnh nội khoa, chẳng hạn như bệnh tự miễn, viêm khớp và rối loạn thần kinh, có liên quan đến tình trạng viêm mãn tính. Hơn nữa, sự tích tụ mỡ quanh bụng có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch, làm tăng khả năng nhiễm trùng và làm chậm quá trình lành vết thương.