Ngay cả lúc nhập viện vì gãy xương, anh Cung (Phúc Kiến, Trung Quốc) vẫn cầm theo chai nước màu đen quen thuộc. Anh cho biết mình uống nó thay nước lọc.
Anh Cung không thể ngờ được mình bị gãy xương đùi chỉ vì một cơn ho khi mới ở tuổi 35. Anh kể lại, cách đây mấy ngày mình bị cảm nhẹ và thỉnh thoảng lại ho. Sau một cơn ho dữ dội, anh đột nhiên cảm thấy đùi trái của mình đau đớn vô cùng. Tuy nhiên, cho rằng mình bị chuột rút nên anh không quá để tâm.
Sáng ngày hôm sau, vừa ngủ dậy anh Cung đã nhận ra cơn đau ở đùi rất khác lạ, anh thậm chí không thể đi lại được. Ngay lập tức, người nhà đưa anh đến Bệnh viện nhân dân số 2 Phúc Kiến (Trung Quốc) để thăm khám. Lúc nhìn vào phim chụp X-quang, anh bàng hoàng tới mức không nói thành lời khi thấy xương đùi trái của mình bị gãy thành hai mảnh. Càng bất ngờ hơn khi bác sĩ cho biết khối lượng xương của anh tương đương với một ông già 80 tuổi.
Xương đùi của người đàn ông gãy đôi sau một cơn ho (Ảnh bệnh viện cung cấp)
Bác sĩ Đông Trung, Trưởng khoa Chấn thương và Chỉnh hình thuộc bệnh viện giải thích: “Bệnh nhân bị gãy ngang xương đùi giữa và trên với biến dạng ngắn và góc cạnh ở đầu gãy, có thể gây mất liền xương hoặc lệch khớp, ảnh hưởng đến chức năng đi lại và chịu lực bình thường. Nếu không điều trị phẫu thuật kịp thời, có thể xảy ra tình trạng khuyết tật ở chi dưới.
Xương đùi được xem là cấu trúc xương cứng nhất trong cơ thể con người. Đối với nam giới ở độ tuổi trưởng thành, gãy xương đùi thường chỉ xảy ra khi có tác động mạnh như tai nạn xe hơi hoặc một cú va chạm rất mạnh, rơi từ độ cao lớn xuống. Nhưng trường hợp của bệnh nhân này là gãy xương bệnh lý. Do bệnh nhân bị loãng xương quá nặng khiến xương dễ gãy bởi các tác động dù không quá mạnh, ở đây là cơn ho”.
Theo ông, bệnh loãng xương chính là tình trạng mà khối lượng xương bị giảm đi một cách đáng kể cũng như có đi kèm theo những biến chứng như tình trạng gãy xương. về cơ bản thì đây chính là sự rối loạn trong cân bằng tạo và hủy xương, quá trình hủy xương thì luôn chiếm ưu thế hơn. Trên thực tế, có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh loãng xương, chẳng hạn như những người không bổ sung đủ vitamin D, những người hút thuốc và nghiện rượu lâu năm, những người sử dụng hormone trong thời gian dài… và cả việc lạm dụng một số loại đồ uống, bao gồm nước ngọt có ga.
Bên cạnh đó, ông cũng chia sẻ thêm rằng, khi đến bệnh viện dù ngồi trên xe lăn nhưng người đàn ông họ Cung này tay vẫn cầm theo một chai nước màu đen. Hỏi ra thì biết vài năm gần đây anh uống nước ngọt có ga gần như thay thế hoàn toàn cho nước lọc. Loại nước này cũng chính là thủ phạm bòn rút canxi, gây loãng xương sớm và khiến anh có xương già yếu như ngoài 80 tuổi dù mới ở tuổi 35.
“ Nước ngọt có ga chứa nhiều photpho và đường nên nếu uống quá nhiều sẽ gây hại cho xương. Photpho cần thiết nhưng khi dư thừa sẽ cản trở sự hấp thụ canxi của cơ thể, dẫn đến tình trạng mất cân bằng và thiếu hụt canxi. Tương tự, trong quá trình chuyển hóa và tiêu thụ đường từ nước ngọt, cơ thể phải đốt cháy lượng lớn khoáng chất thiết yếu như magie, kẽm, natri… đặc biệt là canxi. Để có thể bù lại lượng canxi trong máu thì xương phải giải phóng canxi và tất yếu dẫn tới quá trình loãng xương, gãy xương” - bác sĩ Đông Trung giải thích.
Ông hy vọng rằng trường hợp của anh Cung sẽ trở thành một bài học quý báu đối với những người trẻ tuổi ăn uống theo sở thích, ít quan tâm tới sức khỏe và đặc biệt là mê nước ngọt có ga. Bởi vì ngoài loãng xương, uống nhiều loại đồ uống này còn gây ra một loạt các vấn đề sức khỏe khác như: tăng cân/béo phì, tiểu đường, bệnh tim mạch, gan nhiễm mỡ, bệnh thận, bệnh răng miệng…
VietBF@ Sưu tập