Để tìm bố cho con, một người mẹ đơn thân đã lần lượt mang mẫu tóc của 4 người đàn ông đi xét nghiệm ADN.
Hiện nay, chuyện quan hệ tình dục trước hôn nhân đã không còn quá xa lạ. Tuy nhiên, điều không chỉ tiềm ẩn nguy cơ nhiễm bệnh lây qua đường tình dục mà còn dẫn đến những tình huống dở khóc, dở cười.
Đại tá Hà Quốc Khanh, nguyên Giám đốc Trung tâm Giám định ADN, Phó Viện trưởng Viện khoa học hình sự, Bộ Công an, hiện là cố vấn cao cấp tại GENTIS cho biết, bản thân ông đã gặp trường hợp một cô gái trẻ 4 lần mang mẫu xét nghiệm của 4 người tình đến trung tâm để làm xét nghiệm ADN tìm bố ruột cho con trai mình.
Cô gái trẻ tên Hoa Mai (*) 29 tuổi sinh con khi mới 27 tuổi nhưng chưa đăng ký kết hôn. Mai cũng không biết chính xác bố của con trai là ai nên cô quyết định đi xét nghiệm ADN tìm bố cho con
Mai chia sẻ, suy nghĩ của cô rất thoáng, vì cô chủ động về kinh tế nên sẵn sàng làm mẹ đơn thân để không bị gò bó.
Xét nghiệm ADN bằng mẫu tóc.
Theo ông Khanh, trước đó, Mai đã lấy và gửi mẫu tóc của đứa trẻ đến trung tâm. Sau đó, trong vòng 1 tháng, Mai đã mang tới 3 mẫu tóc khác để xét nghiệm ADN xác định huyết thống cha-con.
Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm cho thấy cả 3 người đàn ông đều không cùng huyết thống với đứa trẻ. Cô gái trẻ đã rất thất vọng. Mai cho biết cả 3 người cô xét nghiệm ADN đều là những người mà cô gần gũi trước khi mang thai.
Mai ra về trong sự thất vọng và không quên nhờ đại tá Khanh lưu lại mẫu xét nghiệm của con trai mình để cô có thể tiếp tục đến xét nghiệm ADN tìm cha cho con nếu nghĩ ra manh mối khác.
Trong một lần lướt mạng xã hội, Mai thấy ảnh của Thanh (*) người yêu cũ của cô.
Trước đó, Mai và Thanh có quan hệ tình cảm hơn 2 năm trước, sau đó chàng trai đi du học. Trong suy nghĩ của Mai, cô chưa bao giờ nghi ngờ Thanh là cha đứa trẻ vì chuyện tình của 2 người diễn ra rất chóng vánh.
Mai tìm cách liên lạc với Thanh và biết anh sắp về nước. Hai người đã có cuộc hẹn gặp sau 2 năm xa cách. Khi Mai đề cập tới chuyện xét nghiệm ADN, Thanh bất ngờ nhưng cũng đồng ý vì Mai chỉ muốn tìm bố cho con và không yêu cầu chịu trách nhiệm.
Lần thứ 4, Mai dẫn theo một người đàn ông đến xét nghiệm. Cô nói với mọi người tại trung tâm: "Xét nghiệm nốt lần này nếu không phải thì tôi sẽ bỏ cuộc".
Kết quả xét nghiệm gây bất ngờ
Kết quả xét nghiệm cho thấy có một gene bị sai. Như vậy có 2 khả năng có thể xảy ra: Một là đứa trẻ không cùng huyết thống với Thanh, hai là xảy ra đột biến gene.
"Vì kết quả gene của 3 người trước đó khác hoàn toàn so với gene của đứa trẻ nên trung tâm dễ dàng đưa ra kết luận. Tuy nhiên, với trường hợp này, chúng tôi buộc phải xét nghiệm thêm mới có thể khẳng định được", ông Khanh chia sẻ.
Ban đầu đại tá Khanh sử dụng bộ kit 16 locus gene để phân tích. Lần chạy lại này ông đã mở rộng thêm nhiều bộ kit nữa với trên 30 locus gene để phân tích kỹ hơn.
Sau 3 ngày, Mai và Thanh đến nhận kết quả. Lần này kết quả xét nghiệm cho thấy đứa trẻ có cùng quan hệ huyết thống với Thanh.
Lý giải về trường hợp sai lệch một locus gene khi xét nghiệm huyết thống, đại tá Hà Quốc Khanh cho rằng, nếu chỉ sai khác một locus gene mà đã nhận định 2 người không có quan hệ huyết thống thì đó là sự kết luận vội vàng. Bởi trong y học, hiện tượng đột biến trong hệ gene người không hề hiếm gặp.
Qua trường hợp của Mai, đại tá Hà Quốc Khanh muốn nhắn nhủ tới các bạn trẻ rằng khi quan hệ tình dục, đặc biệt là quan hệ tình dục trước hôn nhân, hãy dùng các biện pháp an toàn để hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh tình dục hoặc mang thai ngoài ý muốn.
(*): Tên nhân vật đã được thay đổi.