Người bệnh tiểu đường nên tự kiểm tra chỉ số đường huyết vào các thời điểm trong ngày như buổi sáng mới ngủ dậy, sau ăn sáng, ăn trưa và buổi tối trước khi đi ngủ, nhất là khi có thể xuất hiện các dấu hiệu như: chóng mặt, khô miệng, khát nước, đi tiểu thường xuyên, nhìn mờ, mệt mỏi...
Bệnh tiểu đường (hay đái tháo đường) bắt đầu với tình trạng rối loạn chuyển hóa đường trong cơ thể, làm đường huyết cao hơn bình thường. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo người bệnh nên tự kiểm tra chỉ số đường huyết vào các thời điểm trong ngày như buổi sáng mới ngủ dậy, sau ăn sáng, ăn trưa và buổi tối trước khi đi ngủ.
Theo các chuyên gia y tế, chỉ số đường huyết là một chỉ số biến động. Mỗi người có thể có những triệu chứng đường trong máu cao khác nhau, có người biểu hiện rất rõ ràng nhưng cũng có trường hợp không hề có triệu chứng. Khi nghi ngờ đường trong máu cao, để khẳng định cần dựa trên chỉ số đường huyết.
Chỉ số này được kiểm tra bao gồm: xét nghiệm đường huyết lúc đói (sau khi nhịn ăn từ 8 giờ trở lên) và xét nghiệm đường huyết sau khi ăn 2 giờ, chỉ số HbA1c để đánh giá tổng quan khả năng kiểm soát đường huyết của người bệnh suốt 24 giờ.
Trong những năm gần đây, số lượng bệnh nhân mắc tiểu đường đang ngày một tăng mạnh. Nguy hiểm nhất là bệnh nhân dần trẻ hóa và gây nhiều biến chứng với hệ thần kinh. Các chuyên gia cho biết, vấn đề đáng lo ngại nhất là có khoảng nửa số bệnh nhân tiểu đường không hề biết mình mắc bệnh.
Người bị đường huyết cao nếu không đi khám sớm có thể gây nên những rối loạn chuyển hóa carbohydrate, protide, lipide, gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau. Đặc biệt là ở tim, mạch máu, thận, mắt, thần kinh và có thể gây nguy hiểm tính mạng.
Ngủ dậy thấy 4 dấu hiệu này cần kiểm tra đường huyết ngay:
Mệt mỏi, đổ mồ hôi
Nếu bạn đã có một đêm mất ngủ hay đang trong trạng thái quá sức, ốm đau thì việc khó thức dậy ngay vào buổi sáng là dễ hiểu. Tuy nhiên, nếu sáng nào bạn cũng cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng, buồn ngủ, không thể thức dậy ngay cả khi đã ngủ đủ giấc thì nên cảnh giác với bệnh tiểu đường.
Bởi lượng đường trong máu thấp qua đêm có thể làm gián đoạn giấc ngủ của bệnh nhân tiểu đường và dẫn đến khó thức dậy vào buổi sáng hôm sau, kèm theo triệu chứng mệt mỏi suốt cả ngày. Dấu hiệu dễ nhận biết nhất đối với tình trạng hạ đường huyết khi ngủ thường bao gồm người đổ nhiều mồ hôi sau khi thức dậy.
Khát nước và hôi miệng bất thường
Chúng ta đều hiểu rằng, miệng có mùi hôi khi mới ngủ dậy là chuyện dễ hiểu. Nhưng nếu mùi này đột nhiên trở nên nặng hơn nhiều lần hoặc sau khi đánh răng, uống nước mà vẫn không hết, kèm theo dấu hiệu khát nước thường xuyên thì rất có thể là do lượng đường trong máu quá cao.
Lý do là lượng đường trong máu quá cao, cơ thể sẽ không sản xuất đủ insulin, khiến các tế bào không nhận đủ lượng glucose cần thiết để cung cấp năng lượng. Để khắc phục, cơ thể buộc phải đốt cháy chất béo, tạo năng lượng để các cơ quan có thể tiếp tục hoạt động. Quá trình đốt cháy chất béo dự trữ trong tế bào tạo ra xeton, từ đó gây ra mùi hôi miệng bất thường..
Chân tay lạnh
Khi lượng đường trong máu quá cao trong thời gian dài, dễ khiến máu lưu thông kém, chuyển hóa tế bào bị chậm lại, giảm sinh nhiệt. Do đó, tay chân sẽ dễ bị lạnh dù vào mùa hè. Ngay cả khi bạn mặc ấm, đắp chăn bông đi ngủ thì sáng thức dậy vẫn thấy lạnh, tê cứng hoặc đau nhẹ ở tay chân, nhất là các khớp.
Bên cạnh đó, tình trạng tăng đường huyết kéo dài cũng có thể làm tổn thương dây thần kinh và dễ dẫn đến bệnh lý thần kinh ngoại biên, dây thần kinh bị tổn thương cũng khiến tay chân tê bì, vô cùng khó chịu. Nhất là buổi sáng thức dậy, cơ thể đang thiếu năng lượng.
Mắt nhìn mờ
Sau khi thức dậy là lúc mà cơ thể cảm thấy minh mẫn, khỏe mạnh nhất do đã trải qua một đêm dài nghỉ ngơi. Tuy nhiên nếu thấy mắt mờ, nhìn không rõ thì phải cẩn thận bệnh tiểu đường. Nguyên nhân do lượng đường trong máu cao làm cho thủy tinh thể bị sưng, gây suy giảm khả năng nhìn của bạn.
Lưu ý, khi bạn ăn uống đầy đủ, lượng đường trong máu ổn định, thị lực sẽ trở lại bình thường ngay lập tức.
VietBF@ sưu tập