Hạt gạo trong ẩm thực Việt được ví là ''hạt ngọc'' chắt chiu hương đất trời. Tuy vậy không phải ai cũng biết nấu xôi ngon đẹp mắt như nhà hàng.
Những cách nấu xôi thơm ngon, đẹp mắt như nhà hàng
1. Cách nấu xôi bằng chõ
Các cách nấu xôi ngon, dẻo mềm đơn giản nhất dành cho các bạn. Ảnh minh họa.
- Gạo sau khi ngâm xong cho vào rổ, vo gạo qua 2 đến 3 nước để làm sạch gạo.
- Nếu bạn nấu xôi đỗ xanh thì đỗ xanh cũng làm tương tự.
- Sau khi vo gạo và đỗ bạn nên đổ cả hai thực phẩm đó vào một chậu sạch rồi cho chút muối và dầu ăn vào để xôi nấu xong được đậm vị. Dùng tay trộn đều.
- Đổ nước vào xửng rồi cho lên bếp. Đun đến khi sôi thì cho gạo và đỗ xanh vào chõ, đậy nắp chõ rồi hấp chín xôi.
- Khi hấp xôi, bạn vừa dùng muôi đảo tơi xôi khoảng 1 đến 2 lần để xôi được chín đều, kỹ hơn. Thời gian hấp xôi khoảng 30 phút.
- Xôi chín bạn cho sôi vào khuôn rồi cho ra đĩa. Nếu nhà không có khuôn thì có thể cho xôi vào bát rồi úp ra đĩa để xôi được đẹp hơn.
Mẹo hay để xôi ngon luôn thơm, ngon: Khi đồ lần 2 bạn nên vẩy chút nước lạnh, cầu kỳ hơn thì thêm chút mỡ gà vào trộn đều và tiếp tục đồ thêm 10 - 15 phút cho hạt xôi căng mẩy, bóng đẹp, dẻo mềm dù để lâu.
2. Cách nấu xôi bằng nồi cơm điện đơn giản
Ngày nay nhiều gia đình sử dụng nồi cơm điện nấu xôi bởi sự tiện dụng nhanh chóng của nó. Đồ xôi bằng nồi cơm điện không hề khó, nếu biết cách bạn vẫn có thể đồ được xôi ngon, dẻo mà không cần dùng đến chõ, nồi hấp chuyên dụng. Khi nấu xôi bằng nồi cơm điện bạn nên lưu ý sau:
- Gạo nếp ngâm khoảng 3 đến 4 tiếng.
- Để gạo không bị vỡ bạn nên vo gạo trước khi ngâm.
- Trước khi nấu, bạn nên cho gạo ra rá, tráng qua nước, để khoảng 15 phút cho ráo nước.
- Sau đó trộn đỗ xanh hay gấc tùy món xôi bạn nấu, cho chút muối cho món xôi thêm đậm đà.
- Nếu muốn nấu xôi vào buổi sáng bạn nên ngâm gạo và đỗ xanh từ tối hôm trước. Sáng hôm sau dậy thì đãi sạch hết vỏ đậu, vò sạch gạo nếp và để vào rổ cho ráo nước.
- Trước khi nấu bạn chỉ nên đổ ít nước, thông thường với nửa kg gạo thì cho nước sâm sấp mặt gạo, cách mặt gạo khoảng 0,5cm. Tùy theo lượng gạo nhiều ít mà bạn canh chỉnh lượng nước, nếu gạo nhiều thì đổ nước cao hơn một chút. Gạo nếp chín bằng hơi.
- Một mẹo hay nhà bếp để xôi dẻo là khi nước cạn, nhìn thấy nếp chín chỉ 2 - 3 phần thì lấy một chiếc khăn ướt đậy lên trên vì xôi chủ yếu chín bằng hơi. Khi xôi chín được 8 - 9 phần thì lấy khăn ra, dùng đũa xới lên, cho một chút dầu ăn vào để đáy nồi không bị cháy. Nếu có lỡ cháy, thì lớp xôi dưới đáy nồi vẫn rất ngon.
Lưu ý: Khi mua gạo nếp bạn nên chọn loại đều hạt, có màu trắng đục, căng bóng, không bị gãy và có mùi thơm tự nhiên của lúa mới. Tuyệt đối không nên chọn loại gạo có màu quá trắng vì đó chính là gạo đã được xay xát quá kỹ làm mất đi lớp cám chứa nhiều chất dinh dưỡng.
Những lợi ích ăn xôi thường xuyên
Xôi là đồ nếp, được chế biến đa dạng, không chỉ đơn thuần là xôi trắng, xôi đỗ mà còn kết hợp nhiều loại thực phẩm khác như xôi xéo, xôi trứng, xôi kho thịt...
Xôi là một món ăn rất quen thuộc đối với người Việt Nam trong thường ngày và cả những dịp lễ Tết. Để chế biến xôi một cách thơm ngon, hấp dẫn thì chúng ta cũng cần có một số mẹo nhất định. Nấu xôi bạn dùng gạo nếp chứ không phải gạo tẻ. Trong gạo nếp chứa nhiều protein, tinh bột, đường, vitamin nhóm B (có nhiều trong cám gạo) và chất vô cơ.
Trong Đông y, gạo nếp gọi là nhu mễ, có tác dụng bổ trung, ích khí, kiện tỳ dưỡng vị, ích phế, chỉ hãn. Gạo nếp có vị ngọt, tính dược nóng ấm, có thể sử dụng trong các trường hợp đau đầu, chóng mặt, loét dạ dày, ho ra máu, ít sữa.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, một bữa sáng đạt chuẩn là một bữa ăn phải có đủ các thành phần gồm chất đạm, chất xơ, vitamin và khoáng chất. Cũng theo nghiên cứu của các chuyên gia, ăn xôi vào bữa sáng không những không hề có hại cho sức khỏe thậm chí vô cùng tốt là đằng khác. Đó là bởi xôi là một thực phẩm giàu năng lượng, giúp no lâu và giúp tinh thần minh mẫn.
Hơn nữa, xôi chứa một lượng calo khá cao. Chẳng hạn như, các loại xôi nấu từ gạo nếp, kết hợp thêm với các loại đậu, dừa nạo, vừng… cung cấp tới 600 calo/đĩa xôi (trong khi 1 bát phở chỉ chứa 400 calo).
Trong các loại xôi thịt, xôi trứng sẽ cung cấp thêm cả một lượng đạm và protein cho cơ thể. Mặt khác, xôi được gọi là “thực phẩm sạch”, bởi nó không có hóa chất như: bún, miến, phở…
Một vài lưu ý ăn xôi tốt cho sức khỏe
Mặc dù ăn xôi tốt như vậy, song, các chuyên gia cũng cảnh báo ăn quá nhiều và ăn xôi quá thường xuyên cũng không hề tốt cho sức khỏe. Chính bởi vậy, mỗi người chỉ nên ăn xôi từ 1 đến 2 lần/tuần, cũng như không nên ăn xôi thay cơm.
Những nhóm sau không nên ăn xôi quá thường xuyên hoặc thậm chí nên hạn chế ăn xôi:
- Phụ nữ vừa sinh mổ tuyệt đối tránh ăn món xôi nếp, vì gạo nếp có tính nóng, dẻo, dễ gây sưng và mưng mủ cho vết mổ.
- Những người hay bị nóng bụng, hay nổi mụn trứng cá cũng chớ ăn xôi buổi sáng, bởi cơ địa đã bị nóng, ăn vào càng sinh mụn và nóng trong người.
- Những người đã béo, hoặc muốn giảm cân thì nên tránh món xôi nếp, càng không nên ăn xôi buổi sáng thay cơm bởi tinh bột dồi dào, ăn nhiều sẽ bị tăng cân.
- Những người bị đau dạ dày cần tránh món xôi nếp, nhất là xôi đỗ xanh. Bởi cả đỗ xanh và gạo nếp theo đông y là lành tính, nhưng bị đau dạ dày sẽ tăng nguy cơ ợ chua, trào ngược dạ dày – thực quản, trướng bụng… Các gia vị hành, tỏi, tiêu… ăn kèm xôi sẽ khiến bệnh dạ dày tăng nặng.