Chuyện gia đình 3 người "bỏ phong bì" 200.000 đồng dù mâm cỗ cưới giá 4,3 triệu đồng khiến cư dân mạng Việt tranh cãi, câu hỏi mừng bao nhiêu là đủ cũng được đặt ra.
Câu chuyện được chia sẻ trên một hội nhóm Facebook và trở thành chủ đề bàn luận sôi nổi. Người đăng câu chuyện "bóc phốt" khách dự tiệc kể rằng vào tháng 2 vừa rồi, cô tổ chức tiệc cưới ở nhà hàng, giá đặt cỗ ngót nghét 4,3 triệu đồng/mâm cho 10 người. Trong số khách dự tiệc có gia đình gồm 2 người lớn và 1 trẻ em chỉ mừng 200 nghìn đồng.
Chủ tài khoản cảm thấy phật lòng vì khi dự đám cưới của gia đình ấy ở quê, gia đình cô mừng 1 triệu đồng. Ngoài trường hợp đó, trong đám cưới của cô, một gia đình họ hàng khác gồm 3 người lớn đi dự tiệc cũng chỉ "bỏ phong bì" 500 nghìn đồng. Mặc dù xác định đã làm đám cưới là sẽ "lỗ" nhưng "khổ chủ" không thể ngờ họ lại mừng số tiền ít như vậy, quá chênh lệch so với giá trị của mâm cỗ.
Người phụ nữ bức xúc cho biết thêm: "Không biết người ta đi ăn cỗ như vậy có thấy ngại với gia đình mình không nhỉ? Cũng may là mình được cho khoản hồi môn lớn bù lỗ đám cưới".
(Ảnh minh họa)
Bài viết này thu hút sự quan tâm của đông đảo thành viên trong hội nhóm và được dẫn lại, chia sẻ trên một số nhóm và trang cá nhân khác, tạo ra cuộc tranh luận với những ý kiến trái ngược. Nhiều người cho rằng cô dâu không nên "bóc phốt" số tiền mừng cưới của khách, vì đi bao nhiêu là tùy tâm, không nên vì số tiền mừng mà đánh giá họ hay có thái độ tiêu cực.
"Đã xác định mời người ta tới chung vui thì người ta mừng bao nhiêu mình cũng nên vui vẻ"; "Mình nên trân quý họ mà đừng nhìn vào con số. Nếu đã mời vì thương mại thì lựa rẻ mà làm, còn làm sang trọng thì mời ít thôi"; "Mừng bao nhiêu là tùy vào điều kiện gia đình họ, sao có thể so bì trách móc là làm cỗ nhà hàng phải bắt đi nhiều tiền được"; "Có những người mừng số tiền lớn gấp nhiều lần giá trị mâm cỗ thì cũng có người mừng thấp hơn, nên coi đó là bình thường để chấp nhận vui vẻ"...
Tuy nhiên, cũng rất nhiều người đồng cảm với cô dâu và cho rằng gia đình 3 người đến ăn tiệc cưới nhưng chỉ mừng 200 nghìn đồng là quá ít: "Thời buổi này mà chỉ mừng 200 nghìn đồng, lại còn kéo cả nhà đi ăn thì ngại quá"; "Cưới ở quê họ mừng 1 triệu đồng rồi thì cũng nên mừng trả lại đúng số tiền đó, phải có qua có lại chứ".
"Mâm cỗ 10 người có giá hơn 4 triệu mà khách nào cũng đi có 200 nghìn đồng thì cô dâu chắc phải khóc thét mất"; "Tuy rằng đi ăn cưới không phải là mua cỗ nhưng cũng nên có ý tứ, biết nghĩ cho cái khó của người khác một chút, nếu thiếu tiền không mừng nhiều được thì có thể một người đại diện tới thôi, đâu cần kéo cả nhà đến"...
Qua câu chuyện này, cư dân mạng cũng rôm rả bàn luận việc mừng bao nhiêu tiền thì hợp lý, với nhiều ý kiến: "Ở quê đi 200-300 nghìn đồng thì được chứ ở thành phố cứ phải xác định là 500 nghìn - 1 triệu đồng. Giá cả đắt đỏ nên cũng phải nghĩ cho người ta một tí", "Mừng cưới nhiều hay ít thường phụ thuộc vào mối quan hệ, địa điểm tổ chức cưới, mọi người nên cân nhắc để bỏ phong bì cho phù hợp".
Ngoài chuyện tiền mừng nhiều hay ít, một số người cho rằng đám cưới là ngày vui, nên nhìn nhận sự việc một cách nhẹ nhàng để niềm vui được lan tỏa: "Người mời cưới cũng nên thông cảm cho khách tham dự trong trường hợp số tiền mừng cưới chưa hợp lý. Cách cư xử nhẹ nhàng, tế nhị sẽ khiến ngày vui trọn vẹn hơn", "Nên nhận tiền mừng cưới như một món quà, mà món quà có ý nghĩa cao nhất là về mặt tinh thần, không nên đặt nặng vật chất"; "Không nên biến ngày cưới thành một cơ hội kinh doanh. Cũng không nên xem tiền mừng là một thước đo để đánh giá mối quan hệ xem ai hơn ai thiệt"...
VietBF@sưu tập