Một trại hè huấn luyện theo phong cách quân đội ở miền Nam Trung Quốc đang gây ra tranh cãi vì những bài tập gian khổ đến mức tàn nhẫn đặt ra cho những đứa trẻ, nhiều người mô tả nó là "buổi huấn luyện ma quỷ".
Một đoạn video cho thấy người hướng dẫn trại hè túm chặt một cậu bé và liên tục ấn đầu đưa trẻ xuống nước. Ảnh: SCMP/X.com
SCMP đưa tin, những cảnh quay từ một trại hè đã bị rò rỉ trên mạng xã hội, trong đó có đoạn video ghi lại cảnh người hướng dẫn của trại hè đã dùng sức mạnh để ấn đầu một cậu bé 11 tuổi xuống nước trong khi đứa trẻ cố gắng bơi với hai tay bị trói ra sau lưng.
Trong khi giám sát, người hướng dẫn liên tục hét lớn "nhanh hơn, nhanh hơn" khi cậu bé quẫy đạp, cố gắng lấy lại đà.
Bài học bơi khắc nghiệt này là một phần chương trình giảng dạy của trại huấn luyện theo phong cách quân đội mang tên Chuang Shi Mo Xun hay “Huấn luyện quỷ dữ sáng thế”.
Chia sẻ với Chinese Business View, Giám đốc trại huấn luyện cho biết, nhiều trẻ em sợ ngâm mình trong nước, và đứa trẻ trong video có vẻ "hơi nhút nhát". Chính vì vậy, khóa đào tạo này nhằm giúp những đứa trẻ vượt qua được "rào cản tâm lý" để có khả năng bơi lội.
Trên tài khoản Douyin của trại hè, nhiều đoạn video khác cũng chia sẻ bao gồm chạy bộ buổi sáng hàng ngày, học giặt giũ và nghe các bài giảng về cách thể hiện lòng biết ơn đối với cha mẹ. Khi tham gia các bài giảng này, nhiều trẻ em đã khóc rất nhiều khi luyện tập.
“Các bậc cha mẹ khi gửi con đến trại hè này để mong muốn bồi dưỡng tính cách mạnh mẽ, ý chí và thói quen sống tốt cho con mình", giám đốc trại hè cho biết.
Trại huấn luyện khiến người xem sợ hãi vì cách giáo dục trẻ em vô cùng khắc nghiệt - 1
Giám đốc trại huấn luyện khẳng định rằng rất nhiều trẻ em ngần ngại khi phải ngâm mình trong nước, trong khi đứa trẻ trong video tỏ ra khá nhút nhát. Ảnh: Dafeng News
Người này cũng chia sẻ thêm rằng, sự an toàn của các học viên luôn là yếu tố hàng đầu được đảm bảo.
“Nước hồ bơi sâu 90cm, vì vậy khi chúng tôi đứng, nước sẽ ngập đến thắt lưng, ngăn ngừa mọi nguy cơ chết đuối hoặc nghẹt thở. Hồ bơi của chúng tôi được khử trùng và nước sạch, có nguồn gốc rõ ràng", vị giám đốc nói thêm.
Ngoài ra, tất cả các buổi đào tạo đều được phát trực tiếp trong nhóm kín để phụ huynh có thể theo dõi; một số phụ huynh đã gửi con đến trại huấn luyện của ông vì trẻ sợ nước.
Được biết, đoạn video gây tranh cãi này được quay vào năm 2023. Trong khi đó, trại hè nói trên được tổ chức hàng năm kể từ năm 2018, mỗi năm có 500 - 600 trẻ tham gia các chương trình đào tạo. Chi phí dự trại hè từ 2.000 đến 7.000 nhân dân tệ (7 - 24 triệu đồng), tùy thuộc vào thời gian lưu trú.
Các trại huấn luyện theo phong cách quân đội dành cho trẻ em rất phổ biến ở Trung Quốc; chúng nhằm mục đích rèn luyện tính kỷ luật, tinh thần đồng đội và thể lực cho những cá nhân trẻ tuổi. Ảnh: Getty Images
Tuy nhiên, theo nhà trị liệu tâm lý Mã Lý (Ma Li) trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Chinese Business ViewChinese Business View đã cảnh báo rằng những phương pháp như vậy có thể để lại "sẹo tâm lý" cho trẻ em
“Nếu trẻ không có khả năng chịu đựng căng thẳng, cách tiếp cận này có thể phản tác dụng và gây ra những tác động tiêu cực”, Mã Lý cho biết.
Sau khi đoạn video được đăng tải, người dùng mạng xã hội Trung Quốc đã bày tỏ nhiều phản ứng trái chiều sau sự việc.
Trong khi một số người cho rằng đây thực sự là màn tra tấn trẻ em thì những người khác lại ủng hộ việc đào tạo này và nói rằng: “Làm sao trẻ có thể lớn lên bình thường nếu không trải qua khó khăn?”
Các trường đào tạo theo phong cách quân sự dành cho trẻ em rất phổ biến ở Trung Quốc. Một quảng cáo của trại huấn luyện tương tự có nội dung: “Con bạn nghiện điện thoại di động, dễ bị phân tâm, không muốn học và không tôn trọng người lớn tuổi? Hãy đến đây, chúng tôi sẽ giúp con bạn trở nên độc lập và biết ơn hơn”.
Nhưng ở chiều ngược lại, những trại hè kiểu này cũng từng phải nhận nhiều chỉ trích của cộng đồng mạng khi xuất hiện nhiều sự cố nghiêm trọng.
Năm 2018, một cậu bé 13 tuổi đã chết ngạt tại trại huấn luyện quân sự ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc sau khi bị các nhân viên của trại khống chế, gây ra sự phẫn nộ trên mạng.
Trước đó vào năm 2017, một trường học ở tỉnh Hồ Bắc cũng bị chỉ trích về "nghi lễ trưởng thành" có truyền thống 27 năm, trong đó học sinh phải mang vác vật nặng đi 25km, làm việc đồng áng, tắm nước đá lúc bình minh và ngủ nệm trên sàn lạnh ở một nhà kho không có hệ thống sưởi.