Bé gái 6 tuổi bị ngưng tim 60 phút, sau khi được cấp cứu và đặt ECMO đã có chuyển biến ngoạn mục, không để lại di chứng.
Bệnh nhi B.H.Đ.Đ. (6 tuổi, ngụ Long An) đến khám Bệnh viện Nhi đồng 1 với biểu hiện viêm cơ tim tối cấp.
Trước đó, bé có triệu chứng đau bụng và nôn ói nhiều trong 3 ngày. Sau khi vào viện, trẻ nhanh chóng chuyển tình trạng môi tái, mạch bắt nhẹ, huyết áp 95/75 mmHg, biểu hiện tình trạng sốc tim, rối loạn nhịp tim sau đó ngưng tim. Bệnh nhi được chẩn đoán sốc tim, suy tim cấp, viêm cơ tim tối cấp, viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết
Ngay lập tức, các bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu - Chống độc đặt nội khí quản, xoa bóp tim ngoài lồng ngực và thực hiện ECMO cấp cứu. Sau khi chạy ECMO, huyết động bệnh nhi tạm ổn định nhưng vì rối loạn nhịp tim, bé vẫn cần phải dùng thêm thuốc trợ tim, chống loạn nhịp tim và lọc máu liên tục. Bên cạnh đó, trẻ được thực hiện kỹ thuật hạ thân nhiệt chủ động kèm thuốc chống phù não.
Sau 8 ngày chạy ECMO, tim bệnh nhi phục hồi, chức năng co bóp cơ tim tốt, được cai ECMO sau đó. Hiện, trẻ tỉnh, tiếp xúc tốt, môi hồng, tim đều rõ, huyết áp 115/75mmg, đã được cai máy thở, không di chứng não.
Đánh giá về ca bệnh, PGS.BS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho hay bé Đ. bị ngưng tim 60 phút, sau khi được cấp cứu và đặt ECMO đã có chuyển biến ngoạn mục, không để lại di chứng.
"Hiện, bé khỏe, tỉnh táo, chức năng tim phục hồi tốt, thở tốt, dự kiến sẽ xuất viện tuần sau", tiến sĩ Quang cho hay.
Kỹ thuật ECMO (Extracorporeal membrane oxygenation) là phương pháp hỗ trợ tuần hoàn và hô hấp ngoài cơ thể khi tim hoặc phổi hay cả 2 đều không thể hoạt động bình thường.
Kỹ thuật được Bệnh viện Nhi đồng 1 thực hiện từ tháng 2/2019. Đến nay, đơn vị này đã có thể thực hiện kỹ thuật ECMO cho tất cả trẻ em, đặc biệt kể cả trẻ sơ sinh. Trong đó, gần 40 trường hợp là viêm cơ tim tối cấp, tỷ lệ cứu sống thành công 80%. Trước đây, khi chưa có kỹ thuật này, đa số bệnh nhi mắc bệnh đều không qua khỏi.