Từ nhỏ đã có mảng da màu cam, không mọc tóc, bệnh nhân chỉ nghĩ là vết sẹo nào ngờ là ung thư ác tính.
TS, bác sĩ Nguyễn Hữu Quang - Phó Trưởng khoa Phẫu thuật thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, khoa vừa tiếp nhận và điều trị cho 1 bệnh nhân bị ung thư tuyến bã trên nền bớt tuyến bã bẩm sinh.
Đáng nói, bệnh nhân chỉ nghĩ mảng da "lạ" của mình là vết sẹo nên không hề để ý hay thăm khám.
Bệnh nhân là ôn N.V.Đ (41 tuổi). Bệnh nhân cho biết, từ nhỏ ông đã thấy mảng da màu cam vùng đầu, không mọc tóc nhưng chỉ nghĩ đó chỉ là vết sẹo.
Theo thời gian mảng da màu cam đó tăng dần về kích thước, bề mặt sần sùi hơn, thi thoảng có mùi hôi. Khoảng 2 năm gần đây, tổn thương phát triển bất thường, bề mặt sùi, ngứa, đóng vảy tiết và trung tâm có khối u phát triển nên đã đi khám.
Hình ảnh ung thư tuyến bã trên nền bớt tuyến bã, khôi u màu đỏ ở trung tâm là vùng có tế bào đã tiến triển thành ung thư tuyến bã của bệnh nhân. Ảnh TS Nguyễn Hữu Quang
Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, các bác sĩ khoa Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ và Phục hồi chức năng đã thăm khám, nhận thấy tổn thương ban đầu là mảng màu vàng sần sùi, bờ tổn thương rõ và theo như khai thác tiền sử bệnh thì khá dễ dàng chẩn đoán là bớt tuyến bã bẩm sinh.
Nhưng tại vị trí trung tâm xuất hiện khối u sùi, tiết dịch, đóng vảy tiết – đây là những dấu hiệu bất thường. Tiếp sau đó, bác sĩ đã chỉ định các xét nghiệm cần thiết.
Kết quả xét nghiệm là ung thư tuyến bã ở da đầu – đây là loại ung thư hiếm gặp chỉ chiếm 0,2-4,6% trong ung thư da và phần phụ của da.
Bệnh nhân được xác định chẩn đoán là ung thư tuyến bã giai đoạn sớm – chưa phát hiện di căn. Hiện tại bệnh nhân đã phẫu thuật cắt bỏ khối ung thư, tình trạng sau phẫu thuật ổn định, thể trạng tốt.
Theo TS Quang: “Bệnh nhân có bớt tuyến bã bẩm sinh vùng da đầu nhưng không điều trị và bệnh nhân cứ nghĩ đơn thuần là vết sẹo có từ nhỏ. Bớt tuyến bã là bệnh thường gặp trong ngành da liễu.
Bớt tuyến bã là bớt bẩm sinh lành tính. Tuy nhiên, theo thời gian bớt tuyến bã cũng phát triển về hình thái kích thước, có sự tăng sinh của tế bào, từ đó có nguy cơ tiến triển thành khối u và đặc biệt là các tế bào biệt hóa thành tế bào ung thư.
Điển hình như bệnh nhân N.V.Đ 41 tuổi có bớt tuyến bã bẩm sinh, theo thời gian bớt này đã tiến triển thành ung thư tuyến bã.
Theo nhiều nghiên cứu, tỷ lệ ung thư tuyến bã từ bớt tuyến bã chỉ chiếm khoảng 0,4-1%. Bớt tuyến bã điều trị không phức tạp, thường chỉ cần phẫu thuật – cắt tổn thương và điều trị càng sớm càng tốt để ngăn ngừa nguy cơ.”
TS Quang cho biết, dấu hiệu nhận biết bớt tuyến bã vùng da đầu là mảng màu cam hoặc nâu, bờ rõ đều, bề mặt sần sùi, không loét, không có lông, tóc, không tạo các u cục.
"Người dân khi có những dấu hiệu kể trên nên đi khám và điều trị sớm để loại bỏ nguy cơ ung thư hóa của bớt tuyến bã bẩm sinh", TS Quang khuyến cáo.
VietBF@ sưu tập