Một nhóm các nhà khoa học vừa công bố phát hiện gây kinh ngạc về những họa tiết độc đáo, chưa từng được quan sát trước đây, dưới một thềm băng ở Nam Cực. Khám phá này xuất hiện sau một chuyến thám hiểm nhằm tạo ra hình ảnh chi tiết nhất từ trước đến nay về mặt dưới của sông băng Dotson, thuộc Tây Nam Cực.
Năm 2022, khi một phương tiện điều khiển từ xa (ROV) lao xuống độ sâu 10 dặm (khoảng 17 km) dưới thềm băng Dotson, các nhà khoa học đã phát hiện những hình dạng kỳ lạ như giọt nước mắt trên bề mặt băng. Phát hiện này đã được công bố vào ngày 31 tháng 7 trên tạp chí Science Advances.
Giáo sư Anna Wahlin, chuyên gia hải dương học tại Đại học Gothenburg và là tác giả chính của nghiên cứu, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiểu rõ quá trình tan băng từ bên dưới. Theo bà, quá trình này có vai trò quan trọng không kém việc tách băng từ đất liền để di chuyển ra đại dương. Để có cái nhìn toàn diện về chu trình băng ở Nam Cực và sự dịch chuyển của băng, việc nghiên cứu sự tan băng từ bên dưới là cần thiết.
Thềm băng Dotson, một khối băng trôi rộng 50 km, nằm trên bờ biển Marie Byrd Land ở Tây Nam Cực. Nó là một phần của tảng băng Tây Nam Cực, nơi có các sông băng lớn với nguy cơ tách ra và có thể làm mực nước biển dâng cao tới 3,4 mét nếu toàn bộ tảng băng này sụp đổ.
Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng thềm băng Dotson đang dần bị xói mòn do nước biển ấm thấm vào bên dưới, khiến nó tách dần khỏi đất liền và tăng nguy cơ sụp đổ. Để hiểu rõ hơn về các mối đe dọa mà thềm băng phải đối mặt, các nhà khoa học đã sử dụng ROV để quét sonar mặt dưới của sông băng và tạo ra hình ảnh toàn diện nhất cho đến nay.
Cuộc khảo sát đã cho thấy rằng sông băng tan nhanh nhất ở những khu vực nước ngầm bào mòn phần đáy. Tuy nhiên, điều bất ngờ là các nhà khoa học phát hiện ra mặt dưới của sông băng không phẳng mà xuất hiện những hình giọt nước nhô ra từ các đỉnh và thung lũng. Một số hình dạng này có chiều dài lên tới 400 m.
Các nhà khoa học cho rằng những hoa văn này được hình thành do sự tan chảy không đồng đều của băng, dưới tác động của lực Coriolis - một lực xuất hiện do sự quay của Trái Đất. Lực này khiến dòng nước di chuyển trên băng theo một mô hình xoắn ốc được gọi là xoắn ốc Ekman. Wahlin giải thích rằng, sự bất đối xứng của các họa tiết là do lực Coriolis tác động lên dòng nước, tạo nên những dòng chảy xoắn ốc đặc trưng.
Khám phá này không chỉ làm sáng tỏ những quá trình phức tạp xảy ra dưới thềm băng Nam Cực mà còn cung cấp thêm dữ liệu quan trọng giúp dự đoán tương lai của tảng băng Tây Nam Cực, từ đó đánh giá tác động của nó đối với mực nước biển toàn cầu.
|