Khác với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, nhiều ngân hàng trung ương khác bắt đầu hạ lãi suất trong những tháng gần đây khi lạm phát hạ nhiệt.
Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ hôm 14-8 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 7 tăng 0,2% so với tháng trước đó. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, con số này tăng 2,9%. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 3-2021.
Với lạm phát đang trên đà giảm, cùng với thị trường việc làm đang yếu đi, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) được kỳ vọng bắt đầu giảm lãi suất trong tháng 9 và mức độ cắt giảm sẽ phụ thuộc vào các số liệu kinh tế sắp tới.
Ông Jeffrey Roach, nhà kinh tế trưởng tại Công ty Môi giới tài chính LPL Financial (Mỹ), nhận định các nhà đầu tư và nhà hoạch định chính sách nhận thấy báo cáo lạm phát mới nhất có lợi cho các thị trường và nền kinh tế Mỹ. Khi lạm phát giảm tốc, FED có thể có cơ sở phù hợp để cắt giảm lãi suất nhưng vẫn duy trì chính sách thắt chặt tổng thể.
Người dân mua sắm tại chợ Eastern Market ở thủ đô Washington - Mỹ hôm 9-8. Ảnh: REUTERS
Hai chuyên gia của đơn vị phân tích tài chính Bloomberg Economics - Anna Wong và Stuart Paul - nhận định thông tin CPI thấp có thể sẽ giúp các quan chức FED thêm tự tin về việc lạm phát đang trên đà giảm. Theo họ, mặc dù chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi của tháng 7 dự kiến sẽ không tốt như CPI nhưng FED vẫn được kỳ vọng sẽ cắt giảm lãi suất trong tháng 9 do tỉ lệ thất nghiệp tăng.
Tỏ ra thận trọng hơn, bà Liz Ann Sonders, chiến lược gia đầu tư tại Tập đoàn Tài chính Charles Schwab (Mỹ), nhận định với đài CNBC rằng cần phải theo dõi chặt chẽ cả dữ liệu lạm phát và việc làm.
Theo hãng tin Bloomberg, các chỉ số lạm phát đã dần quay trở lại mức mục tiêu 2% của FED. Các quan chức FED cũng ám chỉ việc sẵn sàng nới lỏng chính sách tiền tệ dù vẫn tỏ ra thận trọng khi không đưa ra mốc thời gian cụ thể cũng như mức cắt giảm lãi suất chi tiết.
Thị trường hiện kỳ vọng khả năng FED giảm 0,25 điểm % lãi suất tại cuộc họp trong 2 ngày 17 và 18-9; giảm ít nhất 1 điểm % trước cuối năm 2024. FED hiện duy trì lãi suất ở mức 5,25-5,5%, cao nhất trong 23 năm qua.
Các chỉ số chứng khoán quan trọng của Mỹ đồng loạt tăng điểm hôm 14-8 (giờ địa phương) sau khi báo cáo về lạm phát đáp ứng kỳ vọng của thị trường. Thị trường chứng khoán châu Âu cũng tăng điểm ngày 15-8 nhờ tín hiệu lạc quan từ báo cáo lạm phát của Mỹ.
Cũng hưởng lợi từ báo cáo trên, giá vàng được giao dịch quanh ngưỡng 2.456 USD/ounce trong phiên giao dịch ngày 15-8. Kim loại quý này tăng giá khi các nhà đầu tư ngày càng tự tin FED bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ vào tháng 9.
Trong khi đó, giá dầu ngày 15-8 ít biến động vì chịu tác động bởi hai yếu tố trái chiều. Trước hết, thị trường tỏ ra lạc quan trước khả năng FED sắp cắt giảm lãi suất, từ đó thúc đẩy hoạt động kinh tế và tiêu thụ nhiên liệu. Tuy nhiên, nỗi lo về nhu cầu toàn cầu chậm lại đã hạn chế đà tăng của giá dầu.
Khác với FED, nhiều ngân hàng trung ương bắt đầu hạ lãi suất trong những tháng gần đây khi lạm phát hạ nhiệt. Hôm 14-8, Ngân hàng Trung ương New Zealand cắt giảm lãi suất lần đầu tiên sau 4 năm, cũng như báo hiệu sẽ nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ. Ngân hàng Trung ương Anh trước đó cũng cắt giảm lãi suất đầu tiên kể từ tháng 3-2020...
VietBF@sưu tập