Chọn loại rượu nhẹ, tránh uống lúc bụng đói, uống đủ nước, ăn một số thực phẩm giàu chất xơ, protein có thể giảm khó chịu.
Các chuyên gia khuyên nữ giới không nên uống nhiều hơn một ly rượu mỗi ngày và hai ly với nam giới để phòng tránh các nguy cơ sức khỏe. Bên cạnh đó, áp dụng một số mẹo đơn giản khi uống cũng tránh được những ảnh hưởng xấu của rượu.
Uống đủ nước
Uống đủ nước khi uống rượu giúp cân bằng điện giải. Điều này là do rượu là có tính lợi tiểu, có khả năng dẫn đến mất nước. Dùng một ly nước lọc trước khi dùng rượu và uống thêm nước xen kẽ các lần uống rượu. Thói quen này cũng góp phần giảm các triệu chứng nôn nao như đau đầu, chóng mặt, đồng thời thải độc tố ra khỏi cơ thể, giúp phục hồi nhanh hơn.
Tránh uống khi bụng đói
Uống rượu khi bụng đói có thể nhanh say hơn và tăng tác dụng phụ. Ăn lót dạ trước khi uống rượu và ăn nhẹ trong khi uống để làm chậm quá trình hấp thụ rượu. Thức ăn làm chậm quá trình hấp thụ rượu, giảm tác động của rượu lên cơ thể.
Ăn trước và trong khi uống với các món ăn cân bằng giàu protein, chất béo lành mạnh, carbohydrate. Chúng bao gồm các loại hạt, phô mai hoặc bánh làm từ ngũ cốc nguyên hạt. Ăn hạt chia trước khi uống rượu có thể cung cấp chất xơ, ổn định lượng đường trong máu, tránh tác động tiêu cực.
Chọn đồ uống có cồn nhẹ hơn
Rượu vang đỏ và rượu whisky thường chứa hàm lượng congeners (sản phẩm phụ của quá trình lên men). Chúng góp phần gây cảm giác nôn nao hơn các đồ uống nhẹ hơn như vodka, rượu vang trắng.
Uống chậm
Uống rượu quá nhanh có thể khiến gan bị quá tải, dẫn đến nồng độ cồn trong máu cao hơn cũng như các tác dụng phụ rõ rệt hơn. Hạn chế uống liên tục một lúc và tránh quá say. Theo dõi cảm nhận của cơ thể và điều chỉnh tốc độ uống cho phù hợp.
Tránh uống cùng nước tăng lực
Nước tăng lực có thể làm tăng cảm giác phấn khích, khiến bạn càng uống nhiều rượu. Ưu tiên sử dụng đồ uống có cồn truyền thống, không pha chung đồ uống có chứa caffein hoặc các chất kích thích khác.
Lựa chọn rượu chất lượng cao
Rượu chất lượng cao thường chứa ít tạp chất và chất phụ gia. Chúng góp phần tránh gây ra cảm giác khó chịu, tổn hại đến cơ thể. Tránh dùng loại giá rẻ, chất lượng thấp, không rõ nguồn gốc để đảm bảo sức khỏe.
Nghỉ ngơi nhiều
Ngủ đủ giấc giúp cơ thể phục hồi sau tác động của rượu, đồng thời giảm nôn nao. Nếu uống rượu buổi đêm và về muộn, hãy để cơ thể nghỉ ngơi nhiều hơn để có thêm thời gian phục hồi.
Bổ sung vitamin và chất điện giải
Dùng đồ uống có cồn thường xuyên có thể làm cạn kiệt vitamin và chất điện giải, góp phần gây ra các triệu chứng nôn nao. Một số vitamin đóng vai trò làm giảm tác động tiêu cực của rượu lên cơ thể.
Phức hợp vitamin B hỗ trợ chức năng gan, chuyển hóa rượu, có khả năng làm giảm tác dụng phụ. Vitamin C hoạt động như chất chống oxy hóa, trung hòa các gốc tự do có hại do tiêu thụ rượu và hỗ trợ phục hồi gan. Vitamin E bảo vệ tế bào khỏi tổn thương oxy hóa, tăng cường sức khỏe gan tổng thể. Dùng thực phẩm hoặc đồ uống có nhiều chất điện giải như đồ uống thể thao hoặc nước dừa cũng giúp ích.
|