Những thách thức đối với chương trình tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạt nhân của Mỹ làm dấy lên lo ngại về khả năng duy trì khả năng răn đe hạt nhân của nước này.Tháng trước, Văn phòng Trách nhiệm Giải trình của Chính phủ Mỹ công bố báo cáo nói rằng chương trình tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạt nhân (SSBN) lớp Columbia của Hải quân Mỹ đang phải đối mặt những thách thức đáng kể, bao gồm sự chậm trễ, chi phí vượt mức và rủi ro về hiệu suất, theo tờ Asia Times.
Những thách thức trên đã làm chương trình tàu ngầm mới của Mỹ chậm tiến độ nghiêm trọng, làm dấy lên lo ngại về khả năng thay thế kịp thời các tàu SSBN lớp Ohio cũ của Hải quân Mỹ để duy trì khả năng răn đe hạt nhân.
Những lỗ hổng lớn
Theo báo cáo của Văn phòng Trách nhiệm Giải trình của Chính phủ Mỹ, chiếc tàu SSBN Columbia đầu tiên ban đầu được lên kế hoạch giao hàng vào tháng 4-2027 nhưng hiện dự kiến sẽ giao vào khoảng tháng 10-2028 đến tháng 2-2029. Điều này có khả năng ảnh hưởng đến thời điểm đưa vào hoạt động theo kế hoạch vào năm 2030.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng những vấn đề dai dẳng như chất lượng xây dựng kém, sự chậm trễ trong hướng dẫn công việc và tình trạng thiếu vật liệu đã gây ra chi phí vượt mức đáng kể lên tới hàng trăm triệu USD.
Theo báo cáo, hãng đóng tàu Electric Boat - đơn vị phụ trách đóng tàu lớp Columbia - liên tục không đạt được mục tiêu về chi phí và tiến độ, đồng thời cảnh báo rằng kế hoạch khắc phục của nhà thầu này có thể không thực tế.
Báo cáo cũng cho biết khoản đầu tư 2,6 tỉ USD của Hải quân Mỹ vào cơ sở cung cấp tàu ngầm, nhằm mục đích đẩy nhanh sản xuất đang thiếu sự giám sát hiệu suất nhất quán, làm dấy lên lo ngại về hiệu quả của khoản đầu tư này.
Mặc dù có những nỗ lực để giảm thiểu những vấn đề này, những rủi ro tiếp theo trong quá trình lắp ráp và thử nghiệm cuối cùng có thể làm trầm trọng thêm sự chậm trễ và chi phí.
Bên cạnh đó, một báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu quốc hội Mỹ vào tháng trước cho biết sự chậm trễ trong việc xây dựng tàu ngầm SSBN lớp Columbia xuất phát từ nhiều yếu tố, bao gồm khó khăn trong việc lắp ráp các mô-đun của tàu, tình trạng thiếu hụt lao động tại các xưởng đóng tàu và các vấn đề về chuỗi cung ứng, đặc biệt là các thành phần quan trọng như máy phát điện tua-bin và vòm mũi tàu. Các bộ phận này, do các nhà thầu phụ như Northrop Grumman cung cấp, đều bị giao hàng muộn, làm chậm hơn nữa tiến độ chương trình đóng tàu của Hải quân Mỹ.
Báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu quốc hội Mỹ lưu ý rằng rằng khả năng vượt chi phí làm tăng thêm sự phức tạp của chương trình tàu ngầm SSBN lớp Columbia. Báo cáo cho biết chi phí mua sắm cho chiếc đầu tiên hiện ước tính là 15,2 tỉ USD, một phần là do chi phí thiết kế và kỹ thuật.
Thêm nữa, tháng trước, trang tin USNI News đưa tin rằng hãng đóng tàu quân sự Newport News Shipbuilding đã thông báo với Hải quân Mỹ về các mối hàn bị nghi ngờ là lỗi trong tàu ngầm và tàu sân bay đang hoạt động. Nguồn tin cho biết Hải quân Mỹ đang điều tra mức độ của vấn đề, với những phát hiện ban đầu cho thấy một số thợ hàn cố tình vi phạm các giao thức hàn. Các nhà lập pháp thuộc Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ yêu cầu Bộ Quốc phòng Mỹ trả lời về các rủi ro trên đối với an toàn của thủy thủ Mỹ.
Tác động tới sức mạnh Hải quân Mỹ
Báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu quốc hội Mỹ nêu rõ rằng bất kỳ sự chậm trễ nào nữa cũng có thể ảnh hưởng đến năng lực răn đe chiến lược của Hải quân Mỹ, vì cần phải đảm bảo rằng SSBN lớp Columbia có thể thay thế SSBN lớp Ohio đúng hạn.
Những vấn đề trên là một phần của những vấn đề quan trọng hơn trong việc duy trì lợi thế chiến lược của cơ sở sản xuất tàu ngầm Mỹ. Trong một bài viết trên tạp chí American Affairs, chuyên gia Jerry Hendrix - cựu đại tá Hải quân Mỹ - lưu ý rằng hạm đội tàu ngầm Mỹ đã giảm từ mức đỉnh điểm 140 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh xuống chỉ còn 67 tàu hiện nay, với chỉ 49 tàu được phân loại là SSN.
Do tồn đọng bảo trì trong ba năm, ông Hendrix chỉ ra rằng gần 1/3 trong số các tàu trên không hoạt động, đồng thời cho biết các đối tác đóng tàu của Hải quân Mỹ đã phải vật lộn để tăng sản lượng sau đại dịch COVID-19.
Ông Hendrix cho rằng sự suy giảm của cơ sở công nghiệp tàu ngầm trầm trọng hơn do các quyết định được đưa ra vào những năm 1990 nhằm đóng cửa một số xưởng đóng tàu quan trọng, đã khiến Mỹ không có đủ ụ tàu khô và năng lực bảo trì.
Trong khi Mỹ gặp khó khăn thì cơ sở công nghiệp tàu ngầm của Trung Quốc - một thành phần quan trọng trong quá trình hiện đại hóa hải quân của Bắc Kinh - đã có những tiến bộ đáng kể thông qua đổi mới tập trung vào nghiên cứu và phát triển (R&D) và nâng cấp cơ sở hạ tầng đóng tàu.
|