NASA hé lộ ảnh vệ tinh năm 2024 và năm 2005 cho thấy sự phát triển của những khu rừng toàn cây chết ven biển Bắc Carolina.
Ảnh vệ tinh cho thấy rừng ma lan rộng ven biển năm 2024 và ảnh năm 2005, khi nơi này vẫn còn xanh tốt. Ảnh: NASA
Những rừng cây bách hói (Taxodium distichum) dọc theo bờ biển của bán đảo Albemarle-Pamlico, Bắc Carolina, chuyển sang màu nâu nhiều hơn trong năm nay, dù vào năm 2005, khu vực này vẫn xanh tươi, Newsweek hôm 30/10 đưa tin.
"Rừng ma" là những khu rừng ven biển mà cây cối chết do mực nước biển dâng cao, dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn và xói mòn. Nước mặn từ biển làm ô nhiễm nguồn nước ngầm mà những khu rừng này cần, ảnh hưởng đến tính chất hóa học của đất và sức khỏe của cây, dần giết chết chúng, theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA). Cuối cùng, cây chết sẽ đổ xuống và phân hủy, nhưng khi vẫn còn đứng vững, chúng trông giống những thây ma kỳ lạ giữa cảnh quan tươi tốt xung quanh.
"Rừng càng gần với mực nước biển thì nguy cơ cây chết và xuất hiện rừng ma càng cao", Xi Yang, nhà khoa học môi trường tại Đại học Virginia, cho biết.
Rừng ma đang xuất hiện xung quanh Bắc Carolina và bờ biển phía đông nước Mỹ, ảnh hưởng đến nhiều loài thực vật, từ cây bách đến cây thông. Diện tích chịu ảnh hưởng từ những cây chết này đang tăng nhanh.
Theo nghiên cứu trên tạp chí Ecological Applications năm 2021, 11% đất rừng ở khu bảo tồn sinh vật hoang dã ven biển lớn nhất Bắc Carolina đã trở thành rừng ma trong giai đoạn 1985 - 2019. "Sự hình thành trạng thái chuyển tiếp rừng ma này đạt đỉnh vào năm 2011 - 2012, sau bão Irene và đợt hạn hán kéo dài 5 năm, với 4.500 ± 990 ha rừng ma hình thành", nhóm nghiên cứu viết.
Rừng ma lan rộng khi mực nước biển dâng lên trên toàn thế giới do nhiệt độ toàn cầu tăng cao và băng tan ở hai cực. Đặc biệt, dọc theo bờ biển phía đông nước Mỹ, tình trạng nước biển dâng có vẻ trầm trọng hơn do kết hợp với sụt lún đất. Mực nước biển ở Bắc Carolina dâng nhanh gấp ba lần so với mức trung bình trên toàn thế giới, đạt 3 - 4 mm mỗi năm.
Rừng ven biển đóng vai trò như vùng đệm tự nhiên, bảo vệ vùng nội địa khỏi nước dâng do bão và xói mòn. Điều này đồng nghĩa, việc mất rừng ven biển khiến các cộng đồng gần đó dễ chịu thiệt hại hơn. Ngoài ra, việc rừng ma lan rộng trong những khu rừng bách hói ở Bắc Carolina cũng đang giết chết một số cây lâu đời nhất miền đông nước Mỹ.
"Bạn có thể thấy tác động của biến đổi khí hậu xung đột với sự phát triển của con người trong những hình ảnh vệ tinh như thế này. Qua thời gian, đầm lầy thay đổi vị trí khi nước biển dâng, nhưng không có nơi nào cho rừng bách chuyển đi. Chúng đã bị đất nông nghiệp hoặc công trình phát triển khác vây quanh. Do đó, những vùng đất ngập nước mang tính biểu tượng này đang bị dồn ép và chết dần hàng loạt", nhà sinh thái Emily Bernhardt từ Đại học Duke chia sẻ.
VietBFsưu tập