Trong nhiều tháng qua, người tiêu dùng và các doanh nghiệp Mỹ dường như đều cảm nhận được diễn biến chậm chạp của nền kinh tế Mỹ trước tác động của cuộc bầu cử tổng thống.
Theo hãng CNN, "màn sương mù" bao trùm nền kinh tế Mỹ có thể sớm tan khi nước này tìm ra tổng thống kế nhiệm và công bố về thông tin lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) vào tuần này.
Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump vận động tranh cử vào ngày 3/11. Ảnh: Reuters/Getty Images
"Người tiêu dùng Mỹ đang trì hoãn việc mua sắm và đầu tư. Họ có thể đang chờ đợi cho đến khi thế giới biết ai sẽ là tổng thống kế nhiệm trong 4 năm tới, vì kết quả của cuộc bầu cử sẽ định hướng cho nền kinh tế trong tương lai", thông tin từ các cuộc khảo sát cho biết.
Trong thời gian vận động tranh cử tổng thống, hai ứng cử viên là Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump luôn tích cực đưa ra các chương trình nghị sự kinh tế nhằm cải thiện khả năng chi trả của người dân và củng cố nền kinh tế Mỹ. Mỗi người đều có cách tiếp cận hoàn toàn khác nhau và điều này sẽ dẫn đến những tác động khác nhau đối với thuế và lạm phát.
Trước bối cảnh trên, các doanh nghiệp sẽ chưa thể xác định rõ về định hướng chính sách kinh tế của Mỹ hiện tại. Các cuộc thăm dò đều cho thấy cuộc đua vào ghế tổng thống Mỹ năm nay đang trở nên gay cấn và sẽ mất một thời gian để xác định ai là tổng thống tiếp theo.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng đang chờ quyết định lãi suất mới của Cục Dự trữ Liên bang (FED), dự kiến cũng sẽ được công bố trong tuần này.
FED đã hạ lãi vay vào tháng 9/2024 - lần đầu tiên sau hơn 4 năm. Các nhà kinh tế cũng dự đoán nhiều khả năng FED sẽ cắt giảm lãi suất thêm trong đợt công bố tiếp theo. Phát biểu của Chủ tịch FED Jerome Powell trong cuộc họp tuần này sẽ làm sáng tỏ những phỏng đoán về việc cắt giảm lãi suất.
Các nhà quan sát cho rằng dù ít hay nhiều, một số nghi vấn sẽ được giải đáp trong tuần này sau thời gian dài chờ đợi.
Lựa chọn giữa hai định hướng kinh tế khác nhau
Vì kết quả của cuộc bầu cử sẽ định hình hướng đi cho nền kinh tế Mỹ trong những năm tới nên nhiều người dân vẫn thận trọng khi đưa ra các quyết định quan trọng như mở rộng kinh doanh hoặc mua nhà vào thời điểm này.
Trong bối cảnh đó, hai ứng cử viên là ông Trump và bà Harris đều tích cực đưa ra những đề xuất chính sách kinh tế mới cho nước Mỹ nhằm thu hút cử tri.
Về định hướng kinh tế, cựu Tổng thống Trump kêu gọi những thay đổi mạnh mẽ. Ông Trump cam kết áp dụng thuế quan phổ quát đối với tất cả hàng nhập khẩu từ mọi quốc gia, trục xuất người nhập cư, cắt giảm thuế doanh nghiệp sâu hơn và nhiều biện pháp khác.
Trong khi đó, chương trình nghị sự kinh tế của bà Harris đề xuất các giải pháp kỹ lưỡng hơn, chẳng hạn như khôi phục lại thời hạn gia hạn tín dụng thuế trẻ em đã hết hạn và tăng khấu trừ thuế cho chi phí khởi nghiệp.
Mặc dù mục tiêu cuối cùng của cả hai ứng cử viên là hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp Mỹ nhưng cuộc khảo sát trên The Wall Street Journal lại cho thấy hơn 2/3 (68%) người tham gia khảo sát đều tin rằng giá cả sẽ tăng nhanh hơn so với kế hoạch định hướng của hai ứng cử viên.
Thuế quan cao là một phần quan trọng trong kế hoạch kinh tế của ông Trump và chúng có nguy cơ làm tăng chi phí cho các doanh nghiệp. Điều đó cuối cùng sẽ khiến lạm phát tiêu dùng tăng nhanh hơn.
Một cuộc khảo sát do hai ngân hàng Dự trữ Liên bang khu vực và Đại học Duke thực hiện gần đây, với sự tham gia của các giám đốc tài chính tại các công ty lớn và nhỏ trong nhiều ngành cũng ghi nhận gần 1/3 số người được hỏi cho biết họ đã "hoãn", "thu hẹp quy mô", "trì hoãn vô thời hạn" hoặc "hủy vĩnh viễn" các kế hoạch đầu tư ngắn hạn và dài hạn trong năm nay do không chắc chắn về kết quả của cuộc bầu cử.
Người tiêu dùng cũng cảm thấy ngần ngại khi đưa ra bất kỳ quyết định mua sắm lớn nào, chẳng hạn như mua nhà vào thời điểm này.
Ông Lawrence Yun, nhà kinh tế trưởng của Hiệp hội Môi giới Bất động sản Quốc gia Mỹ nhận định sự không chắc chắn về kết quả bầu cử có thể là lý do khiến doanh số bán nhà đã qua sử dụng thấp trong những tháng gần đây.
"Có lẽ mọi người đang chờ xem kết quả của cuộc bầu cử sẽ như thế nào trước khi đưa ra quyết định quan trọng như mua hoặc bán nhà. Sự không chắc chắn của cuộc bầu cử có thể là lý do tại sao doanh số bán nhà đã qua sử dụng rất ì ạch trong những tháng gần đây", ông Yun nói trong một cuộc gọi gần đây với các phóng viên.
Chờ FED tiếp tục cắt giảm lãi suất
Bên cạnh đó, thế giới cũng đang theo dõi chặt chẽ để xem FED có tiếp tục cắt giảm lãi suất hay không. FED sẽ đưa ra quyết định lãi suất mới nhất vào ngày 7/11 tới.
Số liệu thống kê về tình hình việc làm mới nhất của chính phủ công bố vào cuối tuần trước cho thấy thị trường việc làm đang hạ nhiệt nhưng không giảm quá mạnh.
Các quan chức FED đã nói trong các bài phát biểu gần đây rằng họ cam kết duy trì thị trường lao động ổn định và lãi suất duy trì ở mức cao tương đối.
Lãi suất thấp hơn có thể thu hút những người mua nhà đang do dự quay trở lại thị trường. Còn đối với các doanh nghiệp, việc giảm lãi suất sẽ khuyến khích họ tiếp tục triển khai các kế hoạch đầu tư tiếp theo.
Theo các nhà kinh tế, dù mọi nghi ngại về nền kinh tế Mỹ chưa thể được giải đáp hết trong tuần này, nhưng ít nhất, tín hiệu u ám của nền kinh tế Mỹ sẽ sớm tan và cải thiện đáng kể trong thời gian tới./.