Ngày 25/11 (theo giờ địa phương), tại hội trường của Quốc hội Serbia đã xảy ra ra trận ẩu đả giữa các nghị sĩ sau khi phe đối lập cáo buộc liên minh cầm quyền chối bỏ trách nhiệm trong vụ sập mái trạm xe lửa khiến 15 người tử vong hồi đầu tháng.
Cuộc ẩu đả xảy ra sau khi nghị sĩ Lazovic của Đảng đối lập đặt bức ảnh chụp bàn tay màu đỏ với dòng chữ tam dịch "bàn tay của các ông đã vấy máu" lên bục phát biểu của Chủ tịch Quốc hội. Tiếp đó xảy ra tranh cãi nảy lửa giữa ông này và Bộ trưởng Y tế.
Các nghị sĩ Quốc hội khác nhanh chóng tiến lại gần và la hét, lôi kéo, đánh nhau. Các nhà lập pháp đối lập giương cao biểu ngữ cáo buộc liên minh cầm quyền trốn tránh trách nhiệm về vụ sập mái nhà ga xe lửa khiến 15 người thiệt mạng vào đầu tháng này.
Một số người đã cầm ảnh Tổng thống Vucic giơ hai bàn tay đỏ và tấm biển ghi dòng chữ "Không ai đáng bị đổ lỗi".
Các nghị sĩ ẩu đả tại Quốc hội Serbia. (Ảnh: AP)
Thảm họa tại nhà ga xe lửa mới được cải tạo ở Novi Sad đã trở thành nguồn cơn của những xung đột chính trị kéo dài đối với Tổng thống Vucic và đảng cầm quyền của ông, những người bị phe đối lập và nhiều người dân cáo buộc là chủ nghĩa gia đình trị và gây ra tình trạng tham nhũng. Mười hai cá nhân bao gồm một cựu bộ trưởng đã bị bắt vì vụ việc tuần trước nhưng điều đó không làm giảm bớt các áp lực.
Quốc hội Serbia dự kiến sẽ tranh luận về ngân sách năm 2025 trong ngày 25/11 nhưng phe đối lập yêu cầu tranh luận về các vấn đề liên quan đến thảm họa vừa xảy ra. Phe đối lập cũng đã đệ trình một động thái bất tín nhiệm đối với chính phủ mặc dù Chủ tịch Quốc hội Serbia cho biết vấn đề này sẽ không có trong chương trình nghị sự vào ngày 25/11.
Phe đối lập đang kêu gọi Thủ tướng Milos Vucevic, người từng là thị trưởng Novi Sad, phải từ chức. Liên minh cầm quyền phủ nhận các cáo buộc và cho rằng phe đối lập gây ra các cuộc xung đột. Phiên họp được tiếp tục vào lúc 14h cùng ngày (theo giờ địa phương) nhưng các đại biểu đối lập đã ngăn không để phiên họp được tiến hành.
Đây không phải lần đầu tiên xảy ra vụ ẩu đả trong quốc hội Serbia. Trước đó, vào tháng 12/2019, một số nghị sĩ nước này đã xô xát vì bất đồng quan điểm xung quanh việc nước láng giềng Montenegro tiến hành bỏ phiếu về dự luật liên quan tới một đạo luật tôn giáo gây tranh cãi.
VietBF@ sưu tập