Tôi làm nghề nhà nông, quanh năm mải mê với ruộng đồng, cho nên nhiều khi không hiểu được câu nói của các nhà thơ, nhà khoa học.
Theo tôi được biết, người làm thơ phải có tâm sự lớn, ý thơ thì phải để ngoài lời, phải suy nghĩ lung lắm thì mới hiểu được, còn các nhà khoa học thì thường biến những việc đơn giản thành những việc phức tạp (để tạo ra các đề tài để nghiên cứu).
Biến một vấn đề đơn giản mà ai cũng hiểu thành một vấn đề mà đôi khi... chính họ cũng không thể hiểu hết.
Đấy, ví dụ như là tiếng Việt, đã từ lâu, hàng bao nhiêu thế hệ đã quen với con chữ, quen với cách học, thế mà có người vì ăn không ngồi dồi, không có việc làm, mới nghĩ ra kiểu chữ mới rồi lại đòi cải cách tiếng Việt.
Cách nói của họ cũng rất khác thường ví dụ như:
"Ngày hôm nay là quá khứ của ngày mai nhưng lại là tương lai của ngày hôm qua".
"Đường một chiều là đường mà các phương tiện chỉ có thể đ;âm vào nhau từ phía sau".
Đấy, vân vân và mây mây, bạn có thấy không, đang rất đơn giản bỗng trở nên quá phức tạp.
Tuy bận lắm nhưng có thời gian là tôi lại tìm tòi học hỏi.
Thế rồi, có một lần, tại một quán trà đá vỉa hè, thấy có hai người ngồi cạnh đang nói chuyện về văn chương, chữ nghĩa, ngồi nghe một lúc thì tôi mới biết một ông là nhà thơ, còn một ông là nhà khoa học sắp nghỉ hưu, sau một hồi làm quen, tôi quay sang hỏi nhà thơ
- Xin hỏi nhà thơ, có phải hoa phượng là tượng trưng cho mùa Hè, mặc dù nó có thể nở vào mùa khác?
- Phải lắm - nhà thơ đáp
- Vậy thì khi có ai đó "bỏ hoa phượng vào giỏ xe" chuyển đi thì coi như mùa Hè cũng được chuyển đi nơi khác?
- Rất hay, ý tưởng khá lắm
- Còn như vầng Trăng kia khi cắt ra làm đôi thì lại trông hao hao giống con đò?
- lại đúng rồi
- Thế còn câu "ch;ặt đôi câu thơ" với "bẻ đôi câu thơ" thì sao có thể thành mái chèo được? - tôi đem thắc mắc của nhiều người ra hỏi nhà thơ.
- Ừ... à thì khi đọc mình cũng phải tưởng tượng ra chứ, cũng gần... gần giống mà.
Thấy tôi vặn vẹo nhà thơ, nhà khoa học quay sang hỏi.
- Cho hỏi ông làm nghề gì vậy?
- Làm nghề nông - tôi đáp
- Thế hai cụ thân sinh trước làm nghề gì?- ông lại hỏi.
- Cả hai đều làm ở "Viện nghiên cứu các hạt cơ bản"- tôi trả lời (chả là ngày xưa ở xã tôi có một khu chuyên gieo trồng thí điểm các loại giống để xem giống nào tốt thì cung cấp cho các HTX gieo cấy).
Nhà khoa học tròn xoe mắt, "quái lạ, cả hai bố mẹ đều làm ở Viện đó sao lại để cho con làm ruộng nhỉ, chắc là giả vờ khiêm tốn đây"?
Một lát sau ông lẩm bẩm, "mình là giáo sư, đi khắp thế giới, có cái Viện nghiên cứu nào ở Việt Nam mà mình không biết, xưa nay chỉ thấy nói đến Viện nghiên cứu hạt nhân, Viện Vật lý nguyên tử, chứ có thấy ai nói đến cái Viện các hạt cơ bản bao giờ"?.
Ông quay sang tôi hỏi với giọng nghi ngờ
- Làm quái gì có cái Viện nào như ông nói, vậy các "hạt cơ bản" mà ông nói đấy là các hạt gì?
- Là hạt thóc ạ - tôi trả lời
- Ông bảo hạt thóc là... "hạt cơ bản"?
- Thì đúng vậy, nhà tôi làm nghề nông, mọi thứ đều trông chờ vào hạt thóc, vậy hạt thóc không phải là "hạt cơ bản" thì là hạt gì?.
Đến lúc này cả nhà thơ lẫn nhà khoa học mới mắt chữ O mồm chữ A không nói được gì.
Đấy, đôi khi các ông cứ đưa ra những câu khó hiểu để bắt người ta phải hiểu, nhưng khi người ta đưa ra những câu bình thường mà các ông cũng có hiểu được đâu!
VietBF@sưu tập