Bác sĩ Phạm Anh Tuấn, khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Quận 11 (TP.HCM), cho biết máu nhiễm mỡ (hay còn gọi là rối loạn lipid máu, mỡ máu cao) là tình trạng cholesterol và triglyceride tăng cao do cơ thể dư thừa chất béo, không kịp đào thải hoặc chuyển hóa. Điều này dẫn đến gia tăng lượng mỡ trong máu.
Trong cơ thể, có hai loại cholesterol là “tốt” (HDL) và “xấu” (LDL). Bệnh mỡ máu xảy ra khi cholesterol “tốt” giảm, cholesterol “xấu” tăng, gây mất cân bằng. Các yếu tố nguy cơ phổ biến bao gồm ít vận động, ăn nhiều thực phẩm chứa chất béo, dầu mỡ, hút thuốc lá, uống rượu bia và yếu tố di truyền từ gia đình.
Người bị máu nhiễm mỡ thường không có triệu chứng rõ ràng cho đến khi gặp tình trạng khẩn cấp. Các dấu hiệu cần lưu ý bao gồm đau thắt ngực, buồn nôn, nói khó, tê hoặc yếu chi, huyết áp cao – những triệu chứng có thể báo hiệu cơn đau tim hoặc đột quỵ.
Nếu không được điều trị kịp thời, máu nhiễm mỡ có thể dẫn đến các bệnh lý nghiêm trọng như bệnh động mạch vành, bệnh động mạch ngoại biên, gây biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.
Theo bác sĩ Phạm Anh Tuấn, một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng mỡ máu cao là chế độ ăn uống nhiều chất béo bão hòa. Người có thể trạng béo mập, gầy gò, thậm chí là cả người ăn chay cũng có thể bị máu nhiễm mỡ nếu ăn quá nhiều chất béo bão hòa hoặc thực phẩm đóng hợp có nhiều dầu.
Bên cạnh đó, những người thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu, gặp căng thẳng kéo dài và lười tập thể dục cũng dễ có nguy cơ bị máu nhiễm mỡ. Di truyền cũng là một yếu tố khác khiến người bệnh bị mỡ máu cao.
Để có một sức khoẻ tốt, theo khuyến cáo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, mỗi người từ 20 tuổi nên kiểm tra cholesterol và các nguy cơ bệnh lý khác sau mỗi 4-6 năm. Và đặc biệt, phụ nữ sau thời kỳ mãn kinh cũng cần được kiểm tra cholesterol máu mỗi năm..
|