Việc chiến đấu cơ thế hệ 6 Trung Quốc lộ diện khiến các nước phương Tây sửng sốt.
Theo War Zone, ngày 26/12, trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc đồng loạt xuất hiện video cho thấy chuyến bay thử nghiệm của một tiêm kích tàng hình với thiết kế cánh liền thân, được cho là nguyên mẫu chiến đấu cơ thế mới do Tập đoàn Công nghiệp Máy bay Thành Đô (CAIG) phát triển.
Máy bay ứng dụng thiết kế cánh liền thân, không có cánh đuôi ngang và cánh đuôi đứng, trang bị ba động cơ. Nguyên mẫu này bay cùng một tiêm kích tàng hình J-20S khác trong suốt thời gian thử nghiệm.
Thiết kế tiêm kích tàng hình mới của Trung quốc xuất hiện gần các tổ hợp công nghiệp hàng không của CAIG hôm 26/12.
Một số hình ảnh xuất hiện trên mạng xã hội cùng ngày cũng cho thấy nguyên mẫu máy bay dùng thiết kế cánh liền thân khác của Tập đoàn Máy bay Thẩm Dương (SAC) trong chuyến thử nghiệm.
Hiện tại cả Bộ Quốc phòng Trung Quốc hay truyền thông của nước này vẫn chưa đưa ra bình luận về quá trình thử nghiệm hai mẫu máy bay mới.
Các chuyên gia quân sự của War Zone nhận định, hai mẫu máy bay trên có thể là thiết kế chiến đấu cơ thế hệ 6 đang được phát triển cho quân đội Trung Quốc. Điều này thể hiện qua việc chúng sử dụng các thiết kế mà Trung Quốc từng công bố trong đề án phát triển máy bay chiến đấu tương lai.
Việc áp dụng thiết kế cánh liền thân giúp phân bố tải trọng hiệu quả hơn, giảm đáng kể lực cản không khí và số lượng bề mặt góc cạnh có thể phản xạ sóng radar. Dù vậy, thiết kế này khiến phi cơ rất kém ổn định, cần có hệ thống điều khiển điện tử tự động để duy trì khả năng kiểm soát bay và bảo đảm an toàn.
Thiết kế cánh bay, không có cánh đuôi từng được không quân Mỹ áp dụng với các dòng oanh tạc cơ tàng hình B-2 Spirit và B-21 Raider, trong khi Nga cũng triển khai cho máy bay không người lái (UAV) tàng hình S-70 Okhotnik.
Giới phân tích phương Tây đang đặt câu hỏi rằng hai nguyên mẫu là chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5, được thiết kế để tập kích các khu vực được phòng không bảo vệ, hay là tiêm kích chiếm ưu thế trên không thế hệ thứ 6.
"Tôi khá bất ngờ việc Trung Quốc cho nguyên mẫu bay vào ban ngày. Các máy bay này có thể thuộc dự án phát triển tiêm kích hoặc oanh tạc cơ thế hệ thứ 5, đôi khi được gọi là J/H-XX", Justin Bronk, chuyên gia hàng không tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), nhận định.
Về kích thước hai mẫu tiêm kích tàng hình mới của Trung Quốc dài hơn hoặc bằng so với chiến đấu cơ thế hệ 5 J-20. Chiếc J-20 dài khoảng 21m.
Một điểm nhấn khác là thiết kế sử dụng ba động cơ của các mẫu máy bay này. Việc sử dụng ba động cơ cũng buộc nó phải có thêm một cửa hút gió đặt trên thân và hai cửa khác ở dưới cánh.
Nhiều chuyên gia nhận định Trung Quốc có thể sẽ sử dụng mẫu động cơ phản lực nội địa do nước này phát triển là WS-10C cho mẫu máy bay mới.
Về khoang vũ khí, máy bay mới có thể sử dụng lại thiết kế của J-20 nhưng không gian bên trong sẽ lớn hơn bên dưới thân. Ngoài ra có thể có thêm các giá treo vũ khí bên dưới cánh.
War Zone cũng nhận định, mẫu máy bay mới của Trung Quốc có thể mang tên mã là J-36 dựa trên số hiệu được đánh trên máy bay. Trước đó CAIG cũng dùng số hiệu đầu tiên của máy bay để đặt tên mã cho các dòng chiến đấu cơ như J-20, J-35.
Theo tạp chí Forbes, quân đội Trung Quốc thường hé lộ công nghệ mới vào giai đoạn cuối năm trước và đầu năm sau.
Forbes nhận định các nguyên mẫu có thể trở thành chiến đấu cơ đa nhiệm với năng lực đối không mạnh mẽ, song cũng có khả năng hoạt động như cường kích tàng hình để tấn công mục tiêu mặt đất.
"Không quân Trung Quốc đang phát triển các mẫu oanh tạc cơ tàng hình tầm trung và tầm xa, có khả năng tập kích mục tiêu trong khu vực và trên toàn cầu", Lầu Năm Góc cho biết trong báo cáo công bố hồi giữa tháng.
VietBF@sưu tập