Giám đốc điều hành Meta Mark Zuckerberg mới đây đã lên tiếng về chính sách chống độc quyền của Liên minh châu Âu (EU) đối với các tập đoàn công nghệ Mỹ.
Tỷ phú Mark Zuckerberg phát biểu tại một sự kiện ở Washington, D.C. Ảnh: AFP/TTXVN
Ông kêu gọi chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Donald Trump cân nhắc các biện pháp phù hợp nhằm bảo vệ lợi ích của ngành công nghệ Mỹ trong bối cảnh các quy định của EU ngày càng tác động đến hoạt động của các doanh nghiệp lớn.
Trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình podcast Joe Rogan Experience vào cuối tuần, ông Zuckerberg đề cập đến việc các công ty công nghệ Mỹ đã phải trả hơn 30 tỷ USD tiền phạt khi hoạt động tại châu Âu trong hai thập kỷ qua. Ông so sánh các biện pháp của EU với một dạng thuế quan áp dụng riêng đối với ngành công nghệ Mỹ, đồng thời cho rằng cần có một chiến lược quốc gia để bảo vệ lợi thế cạnh tranh của Mỹ trong lĩnh vực này.
CEO Meta bày tỏ sự kỳ vọng vào chính quyền sắp tới, nhận định rằng Tổng thống đắc cử Donal Trump có thể sẽ có những biện pháp quyết đoán trong việc bảo vệ các lợi ích kinh tế của Mỹ.
Vào tháng 11 năm ngoái, Meta bị EU áp mức phạt hơn 797 triệu euro (tương đương khoảng 816,5 triệu USD) do vi phạm các quy tắc chống độc quyền. Cụ thể, EU cáo buộc Meta đã áp đặt các điều kiện giao dịch không công bằng đối với các nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo, gây ảnh hưởng đến cạnh tranh trên thị trường. Trước diễn biến này, ông Mark Zuckerberg cho rằng nếu một ngành công nghiệp khác của Mỹ đối mặt với các biện pháp tương tự, chính phủ Mỹ có thể đã có những động thái chính sách mạnh mẽ hơn để bảo vệ doanh nghiệp trong nước.
Cuối tuần qua, Meta thông báo sẽ chấm dứt chương trình kiểm tra thông tin bên thứ ba, vốn được triển khai nhằm hạn chế tin giả trên nền tảng. Thay vào đó, công ty sẽ chuyển sang mô hình Community Notes (Ghi chú cộng đồng), cho phép người dùng trực tiếp bổ sung thông tin nhằm cung cấp đầy đủ hơn cho các bài đăng. Bên cạnh đó, Meta cũng tuyên bố sẽ thu hẹp hoặc chấm dứt một số sáng kiến liên quan đến đa dạng, công bằng và hòa nhập (Diversity, Equity, and Inclusion - DEI), bao gồm các chương trình đào tạo nội bộ và hỗ trợ phát triển nhân sự từ các nhóm yếu thế. Động thái này được cho là nhằm điều chỉnh chiến lược của công ty trước những thay đổi trong môi trường chính sách, đặc biệt trong bối cảnh chính quyền mới của Mỹ có thể có quan điểm khác biệt về các chính sách DEI trong doanh nghiệp.
Những phát biểu của Zuckerberg nhanh chóng thu hút sự quan tâm khi căng thẳng giữa Mỹ và EU về các quy định đối với lĩnh vực công nghệ ngày càng gia tăng. Trong bối cảnh các cuộc đàm phán kinh tế sắp tới có thể định hình chính sách thương mại và cạnh tranh xuyên Đại Tây Dương, lập trường của Washington đối với các biện pháp chống độc quyền của EU đối với các tập đoàn công nghệ Mỹ sẽ là một vấn đề đáng chú ý.
VietBF@ sưu tập