Thiền, tập thở góp phần kiểm soát căng thẳng, uống đủ nước, chế độ dinh dưỡng cân bằng góp phần giảm nguy cơ rối loạn nhịp tim.
Uống nhiều rượu bia, căng thẳng, tâm trạng phấn khích, sinh hoạt không điều độ... là những nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim. Nhịp tim bình thường dao động trong khoảng 60-90 nhịp mỗi phút. Dưới đây là một số cách giúp ổn định nhịp tim.
Kiểm soát căng thẳng
BS.CKI Hoàng Thị Bình, Phó khoa Nội tim mạch 1, Trung tâm tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết căng thẳng và nhịp tim nhanh thường đi đôi với nhau. Căng thẳng có thể kích hoạt hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng tim đập nhanh. Do đó, mỗi người nên giữ tinh thần thoải mái.
Học cách kiểm soát tâm trạng, tránh phấn khích quá mức vì điều này có thể kích thích tim đập nhanh. Hít thở sâu 5 lần, thư giãn, thiền... là những biện pháp giúp xoa dịu tâm trí.
Tránh uống quá nhiều rượu, bia
Theo bác sĩ Bình, dù uống rượu, bia điều độ không gây ra vấn đề sức khỏe nhưng quá nhiều làm tăng nhịp tim. Mỗi người không nên uống quá 330 ml bia hoặc 100 ml rượu vang hoặc 30 ml rượu mạnh mỗi ngày.
Uống đủ nước
Khi cơ thể bị mất nước, máu đặc lại, tim phải làm việc nhiều hơn để lưu thông máu qua tĩnh mạch. Điều này khiến tim đập nhanh, có khả năng dẫn đến đánh trống ngực. Mỗi khi thấy nhịp tim tăng lên hoặc nước tiểu có màu vàng sậm (dấu hiệu mất nước), hãy uống một ly nước lọc.
Cân bằng điện giải trong cơ thể
Chất điện giải (kali, canxi, magie, natri) kích thích tạo ra xung điện trong tim, giúp tim co bóp, bơm máu bình thường. Chế độ ăn uống mất cân bằng ngày Tết (nhiều protein, chất béo xấu, đồ ngọt, ít rau xanh, trái cây) là nguyên nhân gây mất cân bằng chất điện giải, dẫn đến rối loạn nhịp tim. Khắc phục tình trạng bằng cách tăng cường các loại thực phẩm chứa những khoáng chất này như chuối, bơ, rau, khoai tây, cam, sữa, rau lá xanh đậm, các loại hạt, cá...
Kích thích dây thần kinh phế vị
Một cách khác giúp giảm nhịp tim nhanh là kích hoạt hệ thống thần kinh phó giao cảm, gọi là thao tác phế vị. Dây thần kinh này kết nối não với bụng, hoạt động như "máy điều hòa" nhịp tim tự nhiên của cơ thể. Dây thần kinh phó giao cảm được kích hoạt làm giảm nhịp tim, đưa về trạng thái bình thường.
Cách kích hoạt dây thần kinh phế vị là nín thở và rặn như đang đi vệ sinh, tạo miệng chữ "O" và cố gắng thở mạnh ra. Vỗ nước mát lên mặt hoặc tắm nước lạnh, tạt nước lạnh, chườm khăn lạnh trong khoảng 20-30 giây, hít thở sâu và chậm.
Thực hiện kỹ thuật thở Valsalva
Valsalva là kỹ thuật thở giúp ổn định nhịp tim trong trường hợp tim đập nhanh. Người tập ngồi xuống hoặc nằm ngửa, hít thở sâu và nín thở, bịt mũi, ngậm miệng. Sau đó, hãy cúi gập người thật mạnh. Trong khi cúi xuống, cố gắng thở mạnh ra, giữ nguyên tư thế trong khoảng 10-15 giây, mở mũi hoặc miệng, thở ra.
Ăn uống cân bằng
Chế độ ăn uống cân bằng, bổ dưỡng với trái cây tươi, rau, ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc, chất béo lành mạnh từ các loại hạt hoặc cá... giúp giảm nguy cơ mắc vấn đề về tim, hạn chế nhịp tim nhanh. Tránh thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, muối, đường, thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh.
Tập thể dục thường xuyên
Tập thể dục là biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả cải thiện sức khỏe tim mạch, phục hồi nhịp tim tự nhiên. Hoạt động thể chất thường xuyên còn hỗ trợ giảm căng thẳng, tăng cường sức mạnh cho tim, ngăn ngừa hoặc giảm đánh trống ngực. Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến nghị mỗi người nên tập luyện 150 phút mỗi tuần với các hình thức đi bộ nhanh, chạy bộ, đạp xe, bơi lội, aerobic...
Trong trường hợp tình trạng tim đập nhanh không giảm sau khi áp dụng các biện pháp điều hòa nhịp tim, người bệnh nên đến bệnh viện để khám và theo dõi.
|
|