Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, đồng bào Mông ở các xã vùng cao huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La lại xúng xính quần áo mới để đi ném pa pao (tiếng Mông gọi là pó po). Quả pao được những chàng trai, cô gái Mông gửi gắm ước vọng hạnh phúc, gắn kết duyên tình lứa đôi.
Những ngày này, dưới tán đào đang bung nở sắc hồng phai, nắng ấm dần lên, những thiếu nữ, phụ nữ đồng bào Mông ở các bản vùng cao của xã Co Mạ, Long Hẹ... lại ra sân ném pa pao. Trai, gái ném pao để giao duyên. Những người già ném pao để nhớ hoài niệm về tuổi thơ, hoài niệm về mối tình không trọn vẹn hay để xua tan những mệt mỏi, nhọc nhằn sau một năm lao động vất vả; cùng chia sẻ với người đối diện về câu chuyện cuộc sống, phát triển kinh tế... Trẻ con ném pao để vui ngày Tết.
Người Mông xã vùng cao Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La chơi ném pa pao ngày Tết. Ảnh: Mùa Xuân.
Chị Và Thị Sua, bản Co Mạ, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu (Sơn La) chia sẻ: Chúng tôi đến ném pa pao ở đây nhiều lứa tuổi lắm. Với những người đã có gia đình như chúng tôi đến ném pa pao vui vẻ, chia sẻ những câu chuyện hay, cách làm ăn cho mọi người cùng biết.
Những cô gái trẻ thì ném pa pao với các chàng trai Mông để giao lưu kết bạn, biết đâu họ lại ưng ý rồi nên tình yêu đôi lứa.
Anh Vừ Vả Sà, bản Chống Khua, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu (Sơn La) tâm sự: Cách đây khoảng hơn 20 năm trở về trước ở những bản vùng cao này chưa có điện lưới quốc gia, chưa có điện thoại, mạng internet như bây giờ, nhiều cặp vợ chồng đến với nhau cũng là nhờ ném pao ngày Tết, tôi cũng là một trong số đó.
Ném pao được diễn ra ở những khu đồi bằng phẳng hoặc sân nhà gần đường rộng để mọi người dễ nhìn thấy nhất. Mỗi bản sẽ có một sân ném pa pao riêng, Tết đến, người già ở nhà chúc Tết nhau, những chàng thanh niên Mông sẽ đi các bản khác ném pa pao vừa để giao lưu, vừa đi tìm người mình yêu khi đã đến tuổi trưởng thành, đủ tuổi lập gia đình.
Quả pao của người Mông được làm bằng vải do đôi bàn tay khéo léo của những người con gái Mông kết dính khâu thành hình tròn, với nhiều màu sắc sặc sỡ bắt mắt. Ở sân ném pao được chia thành 2 bên đối diện nhau để ném. Thời gian ném pa pao của người Mông thường kéo dài từ ngày mùng 2 đến mùng 10 Tết.
Khi có chàng trai Mông ở bản khác đến cùng ném pao, nếu khác dòng họ thì những thiếu nữ Mông trong sân đang ném pao sẽ mời gọi bằng cách ném quả pao lăn xuống đất, nếu chàng trai đó ưng ý thì sẽ nhặt quả pao lên để cùng ném.
Em Và Thị Nhia, bản Co Mạ, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu (Sơn La) phấn khởi: Em rất háo hức khi Tết đến, không ai hẹn ai, mọi người trong bản tự kéo nhau tập trung về điểm sân rộng cạnh đường mang theo những quả pao để đi chơi ném pa pao, mọi người ai cũng vui mừng.
Sự khéo léo của người ném pao là không để quả pao rơi xuống đất và được giao ước với nhau bằng số lần ném, số lần bắt được quả pao. Nếu bên nào thua có thể hát đối cho nhau nghe hoặc trao cho nhau kỷ vật nào đó làm kỷ niệm, tuỳ thuộc 2 bên thống nhất.
Với những chàng trai, cô gái thì trò chơi ném pao chính là "ông tơ, bà nguyệt" để đôi nam nữ làm quen, tỏ tình. Đây là hình thức giao duyên, quả pao bay đi bay lại vài tiếng đồng hồ, với những câu chuyện hỏi han để tìm hiểu nhau đầy cảm xúc.
Em Thào A Khánh đến từ xã Long Hẹ, huyện Thuận Châu (Sơn La) bộc bạch: Em rất vui vì hôm nay được đến bản Co Mạ ném pa pao với các bạn gái người Mông ở đây. Các bạn nữ đều xinh đẹp, khéo léo, em chưa muốn lập gia đình sớm nên cũng chỉ ném để giao lưu kết bạn với các bạn nữ thôi.
Ném pa pao là trò chơi dân gian, đây là một trong những nét văn hoá đặc trưng, độc đáo, có từ lâu đời, được truyền từ đời này sang đời khác và trở thành hình thức sinh hoạt văn hoá cộng đồng có ý nghĩa nhân văn cao đẹp của đồng bào Mông mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
VietBF@ sưu rập