Tiết kiệm là tốt nhưng chi tiêu hợp lý cho những thứ cần thiết có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong chất lượng cuộc sống của bạn.
Trong các trường hợp sau đây, nên cân nhắc tính hợp lý hơn là tiết kiệm.
Khi mua thứ sẽ sử dụng hơn ba năm
Khoản đầu tư ban đầu rất quan trọng khi mua những đồ dùng mà bạn sẽ sử dụng trong thời gian dài như đồ nội thất, đồ gia dụng, túi xách và giày dép. Thay vì mua một sản phẩm rẻ tiền rồi nhanh hỏng hoặc gây cảm giác không thoải mái khi sử dụng, việc lựa chọn một sản phẩm tốt ngay từ đầu sẽ tiết kiệm hơn.
Theo chuyên gia lập kế hoạch tài chính Liz Frazier (Mỹ), để có được một sản phẩm (gia dụng, điện tử...) chất lượng tốt, bạn không cần mua những thứ đắt nhất hoặc thương hiệu nổi tiếng nhất. Nhưng nếu bạn mua một thiết bị rẻ tiền, bạn có nhiều khả năng phải thay thế sớm hơn hoặc sửa chữa thường xuyên hơn, gây tốn kém.
Do vậy, với sản phẩm bạn sẽ dùng lâu dài và thường xuyên, chất lượng quan trọng hơn giá cả.
Chi tiền để phát triển bản thân
Đầu tư vào việc hoàn thiện bản thân, chẳng hạn nâng cao kỹ năng, tập thể dục và chăm sóc da và tóc... sẽ mang lại lợi ích trong tương lai. Có thể bạn nghĩ "mọi thứ vẫn ổn như hiện tại", tuy nhiên, sự khác biệt sẽ trở nên rõ rệt hơn theo thời gian.
Đương nhiên, khi đầu tư cho bản thân, bạn không thể làm một cách cảm tính, bốc đồng. Theo tờ Forbes, để giúp bản thân đưa ra quyết định sẽ đầu tư ở mức độ nào, có ba câu hỏi bạn cần đặt ra, tự trả lời để biết nên làm gì tiếp theo:
- Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi không đầu tư vào bản thân?
- Tôi sẽ ở đâu sau 5 năm nữa, nếu tôi chỉ thụ động chờ đợi những điều tốt đẹp xảy ra?
- Làm sao tôi có thể đạt được mục tiêu mình mong muốn nếu tôi không đầu tư vào bản thân?
Chi tiền cho sự kiện kỷ niệm của một người đặc biệt nào đó
Sinh nhật, đám cưới, thăng chức... là những sự kiện quan trọng trong cuộc sống của mỗi người. Dù bạn cho rằng đầu tư tiền bạc cho những hoạt động này là tốn kém, trên thực tế, mối quan hệ của bạn với họ có thể phai nhạt, khi đối phương thấy bạn không thực sự chú ý đến những dấu mốc trong cuộc sống của họ.
Cần lưu ý, mối quan hệ giữa con người là tài sản trọn đời. Hãy hào phóng chi tiền và thời gian, những món quà khiến người kia cảm thấy vui vẻ. Đương nhiên, tùy thuộc vào tình hình tài chính và mức độ thân thiết, bạn có thể dành cho họ một món quà phù hợp.
Khi mua thứ gì đó giúp bạn tiết kiệm thời gian
Mặc dù biết rằng mua sản phẩm nào đó, ví dụ máy hút bụi, máy rửa bát... sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian nhưng đôi khi, bạn quyết định không mua vì nghĩ rằng nó lãng phí. Trên thực tế, nếu bạn có thể quen với ý tưởng "mua thời gian bằng tiền", bạn sẽ có thể sử dụng thời gian rảnh rỗi để tập trung vào những việc quan trọng hơn.
Các nghiên cứu cho thấy, chi tiền để tiết kiệm thời gian có thể khiến bạn hạnh phúc hơn. Nhiều cuộc khảo sát đã phát hiện ra, những người coi trọng thời gian hơn tiền bạc bằng cách làm việc ít giờ hơn, sống gần nơi làm việc hơn, sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn.
Chi tiền cho những quyết định vui chơi
Khi đi du lịch, đôi khi bạn tiết kiệm tối đa chi phí khách sạn và bữa ăn với hy vọng giảm bớt chút kinh phí. Tuy nhiên, việc này có thể không phù hợp. Điều quan trọng là phải chi tiền để có thể tận hưởng trọn vẹn niềm vui, thay vì tiết kiệm nhưng lại mua bực tức vào người.
Những niềm vui của chuyến đi sẽ trở thành kỷ niệm suốt đời, làm cho cuộc sống của bạn trở nên trọn vẹn hơn. Thay vì tiết kiệm quá nhiều rồi cảm thấy chán, hãy chi tiêu một cách khôn ngoan khi cần thiết.
Chi tiền cho cuộc gặp gỡ với những người bạn nể trọng
Bạn đã bao giờ nghĩ "Tôi muốn đi ăn tối với người đó nhưng chi phí đắt quá nên có lẽ tôi sẽ hủy".
Đừng tiết kiệm trong những trường hợp như vậy. Những bữa ăn và thời gian dành cho những người có trình độ cao hơn bạn là cơ hội học tập quý giá. Góc nhìn và kinh nghiệm bạn có được trong thời gian đó không thể thay thế được bằng tiền.
Hãy chắc chắn rằng bạn chi tiền cho những cơ hội được ở cùng không gian với những người mà bạn tôn trọng và lắng nghe họ nói chuyện trực tiếp.
|