Nỗ lực cắt giảm và định hình lại viện trợ nước ngoài của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang làm tê liệt hệ thống toàn cầu phức tạp nhằm ngăn ngừa và ứng phó với nạn đói cũng như tác động nghiêm trọng đến cuộc chiến chống sốt rét ở châu Phi.Theo các nguồn tin, Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc (WFP) đã nhận được lệnh ngừng hoạt động với hàng chục khoản tài trợ từ Chính phủ Mỹ liên quan đến Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) cung cấp viện trợ lương thực cho các quốc gia nghèo đói bao gồm Yemen, Cộng hòa Dân chủ Congo, Sudan, Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, Haiti và Mali.
Một quan chức cấp cao của WFP tại Washington cho biết việc tạm ngừng một số khoản tài trợ theo Chương trình lương thực vì hòa bình II và Cơ quan Tín dụng hàng hóa (CCC) đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng thực phẩm khổng lồ của WFP, ảnh hưởng đến hơn 507.000 tấn thực phẩm trị giá hơn 340 triệu USD. Theo đó, một phần trong số thực phẩm này đang được vận chuyển, và các phần khác đang được lưu trữ tại 23 quốc gia trên thế giới. WFP đang phân tích tác động của lệnh này đối với những người thụ hưởng.Chương trình lương thực vì hòa bình II chi khoảng 2 tỷ USD mỗi năm cho việc quyên góp hàng hóa của Mỹ. Chương trình chiếm phần lớn viện trợ lương thực quốc tế của Mỹ này được đồng quản lý bởi USAID và Bộ Nông nghiệp Mỹ.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, Tiến sĩ James Tibenderana, giám đốc điều hành của Hiệp hội sốt rét thế giới cũng cảnh báo việc đóng băng đột ngột viện trợ của Mỹ cho các dự án sốt rét diễn ra trong bối cảnh các biến thể mới gây tử vong đang lây lan ở châu Phi, có thể gây ra tác động tàn khốc. Tiến sĩ Tibenderana cảnh báo việc cắt giảm tài trợ của Mỹ không chỉ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, bệnh viện nông thôn và các chương trình mua màn chống muỗi mới nhất, mà điều quan trọng hơn là việc đóng cửa các bộ phận nghiên cứu và theo dõi tình trạng kháng thuốc chữa và thuốc diệt muỗi đe dọa sẽ đảo ngược nhiều thập kỷ tiến bộ trong việc kiểm soát sốt rét.
Cho đến nay, Chính phủ Mỹ đã cung cấp khoảng 1 tỷ USD, tương đương 40% nguồn tài trợ hàng năm trên toàn cầu cho công tác kiểm soát và nghiên cứu căn bệnh gây ra hơn 600.000 ca tử vong trong số 250 triệu ca mắc mỗi năm - chủ yếu là ở châu Phi. Về lâu dài, bước lùi trong cuộc chiến với bệnh sốt rét cũng sẽ kéo theo tình trạng nợ nần của các hộ gia đình nghèo cần tiền để chữa bệnh.
Trong một tuyên bố ngày 6/2, Chính phủ Zambia cam kết sẽ đảm bảo nguồn cung thuốc HIV ổn định bất chấp quyết định cắt nguồn tài trợ của Chính phủ Mỹ. Giới chức Zambia cho biết lượng thuốc ARV hiện tại của nước này đủ để dùng đến tháng 6; kho trung tâm và 7 trung tâm khu vực được dự trữ đầy đủ để đảm bảo cung cấp các phác đồ ARV tuyến đầu, tuyến hai và tuyến ba cho tất cả bệnh nhân cần điều trị.
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh, Bộ Ngoại giao Honduras cũng cảnh báo việc Mỹ ngừng tài trợ 180 triệu USD mỗi năm thông qua USDAID sẽ ảnh hưởng mạnh tới các tổ chức xã hội dân sự, các quỹ và các nhóm hoạt động nhân đạo thuộc nhiều loại hình khác nhau ở nước này.
|