Mỹ áp thuế Trung Quốc 10%, Ngoại trưởng Vương Nghị "phản công" bằng 1 câu nói
![](https://intermati.com/forum/attachment.php?attachmentid=2491290&stc=1&d=1739755840)
Người Trung Quốc kinh doanh khó khăn vì Mỹ tăng thuế
Tiếng máy khâu lách cách vang lên từ nhà máy này đến nhà máy khác ở Phiên Ngung, khi công nhân may đủ loại trang phục để cung cấp cho những khách hàng xa xôi ở tận nước Mỹ.
Gần đó, hàng hóa được xếp chồng trên sàn và mặt bàn, được bọc trong lớp túi nilon có in chữ “SHEIN”.
Khu may mặc Phiên Ngung ở thành phố Quảng Châu, Trung Quốc là nơi có hàng nghìn xưởng may, nhiều xưởng chuyên cung cấp cho gã khổng lồ thời trang nhanh và các nền tảng thương mại điện tử khác.
Nhưng hiện nay, các nhà máy này đang phải đối mặt với áp lực lớn từ chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi một điều khoản thương mại quan trọng sắp bị bãi bỏ - vốn cho phép các nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc như Shein và Temu phát triển mạnh - đe dọa gây sức ép lên hoạt động kinh doanh của hai gã khổng lồ này.
Ông Trump sẽ chấm dứt miễn thuế de minimis, vốn cho phép các lô hàng có giá trị dưới 800 USD - bao gồm cả các lô hàng thời trang nhanh được gửi đến người mua từ các nhà máy của Shein hoặc Temu - được miễn thuế và thông qua quy trình thông quan nhanh chóng vào Mỹ.
Nếu không có miễn trừ de minimis, hàng hóa mua từ Trung Quốc sẽ phải chịu thuế tiêu chuẩn thay đổi tùy theo loại quần áo và thuế quan bổ sung bao gồm mức thuế mới nhất là 10%. Phí xử lý bổ sung cũng sẽ được áp dụng vì các công ty vận chuyển phải giải quyết các yêu cầu thông quan khó khăn hơn.
Nếu người tiêu dùng Mỹ quyết định chi tiền ở nơi khác do chi phí cao hơn và thời gian giao hàng chậm hơn, thì đây sẽ là đòn giáng không chỉ vào các gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc mà còn vào các nhà sản xuất nhỏ cung cấp hàng cho họ.
Nhà sản xuất hàng may mặc Kenny Li nói với tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) 16/2 cho biết, ông cố gắng giữ bình tĩnh sau khi Tổng thống Trump quyết định tăng thuế 10% đối với hàng hóa Trung Quốc.
"Cứ để vậy đi – nếu không thì còn có thể làm gì khác chứ?", ông Li nói. "Chúng ta chỉ có thể chờ kế hoạch được hoàn thiện và thực sự đưa vào triển khai trước khi biết chắc chắn cách chúng ta có thể ứng phó với những thay đổi về chính sách".
Hiện tại, câu thần chú là "giữ bình tĩnh và tiếp tục". Li tiếp tục giao hàng đến các kho của nền tảng thương mại điện tử Temu và Shein.
Ngoại trưởng Trung Quốc đáp trả cứng rắn
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 14/2 cho biết, Trung Quốc sẽ "chơi đến cùng" nếu Mỹ quyết tâm gây sức ép mặc dù Bắc Kinh không muốn xung đột với Washington.
Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich, có sự tham dự của Phó Tổng thống Mỹ JD Vance, ông Vương Nghị tuyên bố Trung Quốc đã phát triển và lớn mạnh bằng cách vượt qua những khó khăn và trở ngại nên sẽ không sợ hãi.
Ông cũng trích dẫn một số ngạn ngữ Trung Quốc, trong đó có một câu trong Kinh Dịch: "Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức", (tức Trời đất vận động mạnh mẽ, người quân tử nên cố gắng không ngừng).
"Những câu này nếu khó dịch, các bạn có thể nhờ DeepSeek trợ giúp", ông Vương nói và mỉm cười.
DeepSeek là một ứng dụng trí tuệ nhân tạo do Trung Quốc phát triển bất chấp lệnh hạn chế chip của Mỹ. Ứng dụng này đang đe dọa sự thống trị của các chatbot AI do Mỹ sản xuất, bao gồm ChatGPT.
VietBF@ Sưu tập