Các đồng minh của Mỹ đang phân vân giữa phản công hay "đầu hàng" trước đòn thuế từ Tổng thống Trump, bởi mỗi quyết định đều tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Liên minh châu Âu (EU) và Canada đang dẫn đầu nỗ lực chống lại đòn thuế từ ông chủ Nhà Trắng, đe dọa tung các biện pháp đáp trả với hàng chục tỷ USD hàng hóa Mỹ sau khi bị Washington áp thuế với thép và nhôm. Giới chức ở cả hai khu vực đều tính toán rằng việc họ thể hiện sức mạnh sẽ khiến Tổng thống Mỹ chùn bước.
"Tất nhiên chúng ta phải đáp trả", Anna Cavazzini, nghị sĩ người Đức tại Nghị viện châu Âu, nói. Bà cho biết Ủy ban châu Âu (EC) muốn đạt được một thỏa thuận với Mỹ nhưng "chúng ta phải thể hiện lập trường cứng rắn vì đó là ngôn ngữ duy nhất mà chính quyền Trump về cơ bản hiểu được".

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng hồi tháng hai. Ảnh: AP
Ở chiều hướng ngược lại là Anh và Mexico, cùng một số quốc gia khác. Họ quyết định lựa chọn chiến lược hòa hoãn, cũng với hy vọng đạt được thỏa thuận. Bên cạnh đó, nhiều nước không muốn phá vỡ liên minh an ninh với Mỹ, vốn được cho là ngày càng mong manh dưới thời Tổng thống Donald Trump.
"Ai sẽ hái quả ngọt? Những người chủ chiến hay phe chủ hòa?", Barry Appleton, luật sư thương mại quốc tế, đồng giám đốc Trung tâm Luật Quốc tế thuộc Trường Luật New York, đặt câu hỏi.
Quyết định của họ sẽ trở nên phức tạp hơn vào ngày 2/4, khi chính quyền Trump dự định tung loạt biện pháp thuế quan đáp trả đối với các loại thuế và hàng rào thương mại phi thuế quan mà những nước khác áp đặt lên hàng hóa Mỹ. Giới chuyên gia nhận định hành động này có thể thay đổi hoàn toàn thương mại toàn cầu, trong khi ông Trump gọi đây là "Ngày Giải phóng".
Tổng thống Mỹ tuyên bố chính sách thuế quan của ông sẽ thay đổi, thổi phồng lên cả những kỳ vọng lẫn nỗi sợ hãi. "Tôi có thể cho nhiều quốc gia cơ hội", ông nói hồi đầu tuần. "Chúng ta thậm chí có thể tử tế hơn thế".
Hai thái cực phản ứng trước đòn thuế quan từ Mỹ được thể hiện qua Canada và Mexico. Canada quyết liệt hơn với việc đáp trả, còn Mexico chọn cách tiếp cận mềm mỏng, mang tính xoa dịu ông Trump hơn. Dù vậy, Mỹ vẫn áp thuế 25% đối với nhiều sản phẩm nhập khẩu từ cả hai quốc gia, viện dẫn những lo ngại về an ninh biên giới, và đảo ngược thỏa thuận thương mại tự do giữa ba nước được ký trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump.
Hôm 12/3, Tổng thống Mỹ tiếp tục áp thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu toàn cầu, viện dẫn nhu cầu bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước. Trung Quốc đã phải đối mặt với mức thuế cao tại Mỹ và ông Trump tiếp tục tăng mức thuế này lên cao hơn nữa trong hai tháng qua.
Trong số các bên quyết định đáp trả, Canada, Trung Quốc và EU tự tin rằng họ có đủ đòn bẩy để gây tổn hại tới nền kinh tế Mỹ.
Cả ba nằm trong số những nước nhập khẩu hàng hóa hàng đầu từ Mỹ. Canada còn là bên cung cấp năng lượng chính cho Mỹ. Trong khi đó, theo các quan chức EU, với quy mô thị trường của khối, mức thuế mà họ áp đặt với những sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ sẽ có tác động đáng kể tới các công ty nước này.
Tại Canada, làn sóng phản kháng còn bắt nguồn từ những tuyên bố lặp đi lặp lại của Tổng thống Trump rằng ông muốn sáp nhập họ vào Mỹ, biến quốc gia láng giềng thành bang thứ 51. Giới lãnh đạo Canada ban đầu coi đây là trò đùa, nhưng nó dần trở thành một mối đe dọa nghiêm trọng.
Thêm vào tâm lý hăng hái phản công còn là việc Canada đang trong giai đoạn sắp tổ chức bầu cử sớm và câu hỏi được quan tâm nhất hiện nay là đảng nào có vị thế tốt nhất để đối đầu chính quyền Trump.
"Tôi nghĩ chúng ta phải đáp trả. Tôi không tin ông Trump tôn trọng việc ai đó chịu khuất phục", David MacNaughton, cựu đại sứ Canada tại Mỹ, nhận xét.
Nhưng khi các quốc gia như Canada phản công, Tổng thống Mỹ lại đáp trả mạnh hơn nhiều.
Hồi đầu tháng, Thủ hiến Doug Ford, lãnh đạo tỉnh Ontario, Canada, cho biết ông sẽ trừng phạt Washington bằng cách áp thuế xuất khẩu 25% đối với nguồn điện xuất khẩu cho 1,5 triệu hộ gia đình ở ba bang của Mỹ.
Hai ngày sau, EU cũng đe dọa đánh thuế đáp trả Mỹ vì thuế thép và nhôm, công bố mức thuế lên tới 50% đối với rượu whisky, xe máy và thuyền máy, cùng nhiều sản phẩm khác.
Sau đó, ông Trump đe dọa tăng thuế với thép và nhôm Canada lên 50% và áp thuế 200% đối với rượu champagne và các sản phẩm có cồn khác nhập khẩu từ EU. Canada và EU đã phải "hãm phanh", cho thấy giới hạn của một chiến lược trả đũa cứng rắn.
Thủ tướng Canada Mark Carney tuần trước lưu ý rằng nền kinh tế đất nước ông nhỏ hơn nhiều so với Mỹ và họ không thể làm gì nhiều để đáp trả.
"Sẽ có giới hạn trong việc áp dụng mức thuế tương ứng với từng đồng USD vì nền kinh tế của chúng ta chỉ bằng 1/10 nền kinh tế Mỹ", ông nói.
EU gần đây cũng cho thấy dấu hiệu mềm mỏng hơn. Đợt thuế quan trả đũa đầu tiên dự kiến có hiệu lực vào ngày 1/4, nhưng tuần trước, khối tuyên bố sẽ hoãn lại đến giữa tháng 4 để có thêm thời gian cho các cuộc tham vấn và đàm phán nội bộ với Mỹ.
Ủy viên Thương mại EU Maros Sefcovic đã gặp các quan chức Mỹ tại Washington hôm 25/3 để tham gia những gì ông mô tả là "các cuộc đàm phán thực chất".
"Ưu tiên của EU là một thỏa thuận bình đẳng, cân bằng thay vì thuế quan vô lý", ông viết trên X.
Biện pháp trả đũa của Trung Quốc, gồm áp mức thuế mới đối với sản phẩm nông nghiệp và gia súc Mỹ, kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cùng việc điều tra những công ty Mỹ có khả năng "bán phá giá" các sản phẩm cáp quang, được coi là chỉ mang tính biểu tượng. Giới phân tích nhận định họ có lẽ đang tìm kiếm đòn bẩy để đạt được thỏa thuận.
Những nước khác có ít đòn bẩy hơn đã quyết định chấp nhận thuế quan trong ngắn hạn, đánh cược rằng họ sẽ an toàn hơn nếu vẫn giữ được hòa khí với Tổng thống Mỹ.
Mexico, quốc gia xuất khẩu gần 80% hàng hóa sang Mỹ, đã cử hàng loạt quan chức đến Washington để đàm phán. Trong khi đó, Tổng thống Claudia Sheinbaum đã cố gắng thể hiện thái độ kiên quyết nhưng tôn trọng khi điện đàm với người đồng cấp Mỹ, theo các nguồn tin am hiểu vấn đề.
Với hy vọng giải quyết mối lo ngại của ông Trump về ma túy và người di cư bất hợp pháp qua biên giới, Mexico hồi tháng hai giao nộp 29 thủ lĩnh băng đảng cho Mỹ.
Trong một cuộc gọi gần đây, bà Sheinbaum đã chia sẻ với ông Trump một biểu đồ cho thấy xu hướng giảm mạnh vụ án liên quan đến ma túy ở biên giới Mỹ - Mexico, dẫn số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ.
Tổng thống Mỹ bày tỏ ngưỡng mộ người đồng cấp Mexico nhưng vẫn không cho đối phương thời gian nghỉ ngơi. Nếu chính quyền Trump áp dụng mức thuế mới với hàng hóa Mexico, thiệt hại với hợp tác song phương sẽ rất nghiêm trọng, một quan chức Mexico cảnh báo.
"Làm sao bạn có thể duy trì hợp tác nếu điều đó phá hủy nền kinh tế của bạn", quan chức này nói. "Về mặt chính trị, việc bạn cố gần gũi với một chính quyền khiến bạn phải chịu suy thoái kinh tế sẽ không bao giờ bền vững".
Tại Anh, Thủ tướng Keir Starmer đang tìm cách đóng vai trò là cầu nối giữa Mỹ và châu Âu về các vấn đề như quốc phòng và hòa bình ở Ukraine. Không tham gia vào tranh chấp thương mại với chính quyền Mỹ là một phần quan trọng trong chiến lược của ông.
Anh cũng háo hức ký một thỏa thuận thương mại với Mỹ và đang nỗ lực "tấn công quyến rũ" Tổng thống Trump. Trong chuyến thăm Nhà Trắng hồi tháng trước, ông Starmer đã chuyển cho ông Trump lá thư tay từ Vua Charles, mời lãnh đạo Mỹ thăm cấp nhà nước tới Anh.
"Thủ tướng Anh và tôi đã có một khởi đầu tuyệt vời", Tổng thống Trump sau đó nói.
VietBF@sưu tập