U máu gan là tổn thương lành tính phổ biến của gan, hình thành do sự phát triển bất thường của các mạch máu trong gan. Đa phần u máu gan không gây triệu chứng, không cần điều trị trừ khi khối u vỡ, chảy máu hoặc có kích thước lớn, chèn ép vào các cơ quan xung quanh.
Hiện không có bằng chứng u máu gan tiến triển thành ung thư gan. Đây là hai bệnh lý có cơ chế hình thành khác nhau. U máu gan hình thành do bất thường của hệ thống mạch máu, trong khi ung thư gan xuất phát từ các tế bào gan ác tính, liên quan đến các yếu tố nguy cơ như uống nhiều rượu bia, viêm gan virus B, C, gan nhiễm mỡ, xơ gan, béo phì... Ung thư gan thường phát triển ở các bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao như viêm gan virus B mạn tính, xơ gan...
Ban đầu bạn được chẩn đoán u máu gan, sau đó phát hiện ung thư gan, có thể cơ thể đã tồn tại cả hai tình trạng nhưng khối u ung thư gan xuất hiện sau đó. Khối u ung thư gan ở giai đoạn đầu có thể xuất hiện các nốt nhỏ trong gan, khó phát hiện. Tuy nhiên theo thời gian, khối u ác tính lớn dần và có thể được phát hiện thông qua hình ảnh siêu âm, phim chụp CT hoặc MRI.
Những người mắc bệnh viêm gan virus B, C, nghiện rượu, xơ gan hoặc hội chứng chuyển hóa (béo phì, tiểu đường, gan nhiễm mỡ) có nguy cơ cao phát triển ung thư gan. Nếu bạn có những yếu tố này, chẩn đoán mắc ung thư gan sau một năm phát hiện u máu gan có thể là trùng hợp, chứ không phải do u máu gan tiến triển thành ung thư.

Bác sĩ Hải Bình tư vấn cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Người được chẩn đoán u máu gan nên theo dõi định kỳ bằng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh phù hợp. Nếu u máu gan có đặc điểm điển hình trên siêu âm hoặc CT, MRI và không có dấu hiệu bất thường thì người bệnh thường không cần điều trị, chỉ cần theo dõi định kỳ mỗi 6-12 tháng. Tuy nhiên, nếu có bất kỳ dấu hiệu nào nghi ngờ như u tăng kích thước nhanh, biểu hiện không điển hình trên hình ảnh học, người bệnh nên tái khám. Bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm chuyên sâu hơn như chụp CT, MRI, xét nghiệm chỉ điểm ung thư gan trong máu hoặc sinh thiết gan để xác định bản chất của khối u.
Với người có nguy cơ cao mắc ung thư gan như viêm gan B, viêm gan C, xơ gan..., bác sĩ có thể chỉ định làm thêm các xét nghiệm chỉ điểm ung thư gan trong máu như xét nghiệm chỉ số AFP (alpha-fetoprotein), PIVKA II, kết hợp siêu âm gan định kỳ mỗi 3-6 tháng để phát hiện sớm những thay đổi bất thường trong gan.
VietBF@sưu tập