Sau khi chết, đối với những phàm phu như chúng ta đều nghĩ rằng cái chết là sự chấm dứt của tất cả.
Nhưng với người học Phật, sẽ biết rằng có 31 cõi giới, đan xen vào nhau. Cái chết chỉ là một sự chuyển đổi cảnh giới từ nơi này sang nơi khác.
Chúng ta đến cảnh giới nào hoàn toàn phụ thuộc vào nghiệp chúng ta đã tạo. Vì vậy chúng ta nên tích lũy càng nhiều phước báu càng tốt, để lúc lâm chung, mình sẽ được tái sanh cõi lành...
Người phàm thường nghĩ rằng khi họ già, thì con cháu sẽ là chỗ dựa của họ, hoặc nếu không có ai chăm sóc, thì tiền bạc sẽ giúp họ vào viện dưỡng lão. Nhưng đó chỉ là sự nương tựa về mặt thể chất.
Còn mấu chốt quyết định đời sống kiếp sau lại chính là nghiệp của Họ.
1. Nghiệp nặng.
Nếu có nghiệp nặng, thì nghiệp này sẽ trổ quả đầu tiên vào lúc chết.
Nghiệp thiện nặng: Ví dụ, nếu ta đạt được tầng thiền sâu, tâm ta lúc lâm chung sẽ an trú trong thiền đó, dẫn đến tái sinh vào cõi phạm thiên.
Nghiệp ác nặng: Ví dụ như phạm một trong năm tội cực ác: giết cha, mẹ, hay một vị A la hán; hoặc gây chia rẽ Tăng đoàn; hay làm tổn thương một vị Phật.
Người tại gia chỉ có thể phạm ba tội đầu, vì việc chia rẽ Tăng đoàn là chuyện của chư Tăng.
Ví dụ, Bồ Đề đạt đa không phải là người bình thường, ông cũng gần như ngang hàng với Đức Phật nên mới có thể đối đầu với Phật..
Nhưng vì đố kỵ và tham vọng, ông đã phạm hai tội nặng: làm tổn thương Đức Phật và gây chia rẽ Tăng đoàn.
Dù ông có công đức lớn, nhưng khi chết, nghiệp ác nặng sẽ trổ trước, khiến ông bị đọa ngay vào địa ngục A tỳ. Chỉ sau khi hết nghiệp đó, ông mới có thể tiếp tục con đường tu, cuối cùng trở thành một vị Độc giác Phật.
Điều quan trọng: nghiệp thiện và nghiệp ác không triệt tiêu lẫn nhau. Nhiều người nghĩ làm việc thiện có thể bù đắp cho ác nghiệp trước, nhưng không phải vậy.
Mỗi nghiệp sẽ tự trổ quả riêng.
2. Nghiệp quen thuộc - Thường nghiệp.
Nếu không có nghiệp nặng, thì việc tái sinh tốt hay xấu, sẽ do nghiệp quen thuộc (thường nghiệp), tức là những hành vi thường xuyên lặp lại, quyết định.
Ngày xưa, có một ông lão, có một tật xấu rất mê rượu, không chỉ thi thoảng mà uống hằng ngày. Ông thường mời bạn bè đến nhậu, sai người làm giết gà để đãi tiệc. Nhưng khi lâm chung, tâm ông bị các cảnh nghiệp dấy khởi làm cho rối loạn. Đó là hình ảnh gà, thói quen sát sinh để ăn uống hiện lên.
Sau đó là hình ảnh kiến đen mà ông từng rất ghét loài kiến này, thường giết với tâm ác độc.
Vào phút cuối đời, ông ảo giác thấy kiến bò đầy giường bệnh, ngứa ngáy khủng khiếp, nhưng không ai thấy cả.
Tâm ông bị ác nghiệp chi phối: Giết gà, tuy không ác ý, nhưng làm thường xuyên để thỏa mãn vị giác. Giết kiến, với tâm sân sâu nặng.
Vì không có nghiệp thiện nào mạnh hơn để chế ngự, nghiệp quen xấu trổ quả, khiến ông tái sinh vào cõi Atula, một cõi đau khổ, sân hận.
Atula không giống như ma. Có ma đẹp, dễ nhìn, nhưng Atula thì đáng sợ và xấu xí.
Sự tái sinh của ông vào cõi Atula là hậu quả trực tiếp từ nghiệp quen: Uống rượu, giết gà mỗi ngày dù không ác ý. Giết kiến với niềm vui ác độc.
Vì không có nghiệp thiện nặng như thiền định sâu để át đi, các thói quen xấu đã điều khiển tâm lúc lâm chung, kéo ông xuống.
Vì vậy, phải cực kỳ cẩn thận với thói quen, đặc biệt là lời nói tiêu cực. Nhiều người, đặc biệt là phụ nữ, thường phàn nàn liên tục, phàn nàn mỗi ngày...Lâu dần trở thành thói quen lúc nào không hay.
Vì sao phàn nàn nguy hiểm? Bởi nó là lời nói vô ích, lãng phí thời gian và năng lượng. Làm tổn thương người khác chồng, con, chính mình...Nếu trở thành thói quen, sẽ thành nghiệp trổ quả lúc chết.
3. Nghiệp cận tử.
Có một loại nghiệp nữa gọi là nghiệp cận tử, tức là tâm chấp vào một đối tượng nào đó trong khoảnh khắc cuối đời. Nếu không có nghiệp nặng hay nghiệp quen rõ ràng, thì nghiệp tạo ngay trước khi chết sẽ trổ quả.
Kinh điển kể lại câu chuyện về một đứa trẻ con nhà giàu. Người cha rất keo kiệt. Dù rất giàu nhưng không chịu chi tiêu. Khi đứa bé bệnh, người cha keo kiệt không chịu chữa trị.
Đúng lúc đó, Đức Phật đi khất thực ngang qua.
Ngài biết đứa bé vẫn còn chút phước, nhưng sắp chết do cha không chịu chữa. Đức Phật liền tỏa hào quang. Đứa bé nhìn thấy ánh sáng ấy, không chói lóa mà nhẹ nhàng, mát dịu, tâm liền hoan hỷ.
Quay sang thấy Đức Phật, đứa bé sinh lòng tín tâm. Không có gì để cúng dường Đức Phật, nó chỉ chắp tay đảnh lễ.
Ngay khoảnh khắc ấy, nó qua đời. Chính hành động đó đã khiến nó tái sinh lên cõi trời. Đó là ví dụ của nghiệp cận tử.
4. Nghiệp tích lũy.
Có một loại nữa gọi là nghiệp tích lũy đó là những hành động bất thiện nhẹ nhưng vẫn có thể trổ quả...
Có câu chuyện thời Phật: một vị sư già mắt kém đang may y. Vô tình đâm kim trúng một con côn trùng, làm nó chết.
Sau khi chết, vị sư già vẫn tái sinh làm người, và tiếp tục xuất gia làm sư tiếp. Còn con côn trùng lại được tái sinh làm thợ săn.
Có một lần anh ta nhìn thấy một vị sư khác, anh ta nghĩ: “Không nên cầm vũ khí trước mặt sư.” Anh ta đành ném mũi tên vào bụi cây, nhưng không may đúng chỗ sư già kiếp xưa đang đứng, khiến sư mất mạng.
Đây là ví dụ cho thấy nghiệp nhỏ vẫn trổ quả nếu không có nghiệp mạnh nào hơn can thiệp. Do đó, dù hành vi xấu có nhỏ đến đâu, tốt nhất không nên làm. Thay vào đó, hãy siêng năng tu tập mười nghiệp lành.
VietBF@sưu tập
|
|