Mấy ngày nay, ra chợ, đi đường, đến cơ quan, ngồi quán phở,... đâu đâu cũng thấy người ta than chuyện tăng giá. Và cũng vì thế, đã có không ít những chuyện "dở khóc, dở cười" thời bão giá...
1. 6 người "đè" lên nhau trên giường...1m5
"Xù à, đang tắc đường, sắp đến rồi. Gì cơ? Tăng những 200 nghìn đồng cơ á? Trời!"
Cúp điện thoại, Hà Anh (sinh viên năm thứ 2 - Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn) ngán ngẩm nhìn chiếc xe đạp lỉnh kỉnh đồ đạc: "Tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa. Đâu cũng tăng tiền nhà".
Chả là mấy ngày hôm nay, chủ nhà trọ của Hà Anh nằng nặc đòi tăng phòng trọ diện tích vỏn vẹn 9m2 của cô lên 1,2 triệu đồng/tháng (trước đó là 900 nghìn đồng/tháng). Đắt quá, nên cả 3 người ở phòng Hà Anh đành "di cư" sang sống ghép cùng phòng trọ 3 người bạn khác ở gần đấy.
Cả gia đình Hà Anh 5 miệng ăn đều trông chờ vào mấy sào ruộng, nên cố gắng lắm mỗi tháng bố mẹ cô mới gửi được 1 triệu đồng ra cho con gái ăn học. Giờ tiền nhà tăng, điện tăng, nước tăng, rồi cơm, rau, thịt, cá đều tăng... Số tiền ấy càng trở nên ít ỏi hơn.
Bữa cơm sinh viên thời bão giá.
"Tụi em ở chật cũng được. Miễn không phải xin thêm tiền bố mẹ. Nhưng giờ nhà đấy cũng tăng tiền. Không biết mấy hôm nữa, còn cái gì tăng nữa", Hà Anh nhăn nhó.
Căn nhà Hà Anh mới chuyển đến cũng không rộng hơn căn nhà cũ bao nhiêu, tầm 11m2. Nhưng có đến 6 người ở. Đồ đạc xếp vào nữa, có khi đi lại 2 người là không lách nổi. Khó khăn nhất vẫn là sắp xếp chỗ ngủ. Cái giường có 1m5, phải nhét đến 6 người. Ấy thế mà vì "tiết kiệm chi tiêu", 6 sinh viên này vẫn quyết tâm nằm cho đủ.
"Tất cả nằm ngang giường và trong tư thế nghiêng người, nhưng nghiêng đều về một bên. Người nào mỏi quá, xoay người thì cả 5 người còn lại sẽ xoay theo", Hà Anh bật mí kinh nghiệm "nhét" người.
Ban ngày, để tránh "va chạm" và tiết kiệm tiền điện, ai nấy đều lên thư viện hoặc phòng tự học, đến bữa mới về đi chợ, nấu cơm.
2. Thèm.... thịt lợn quá!
Khu chợ Pháo Đài Láng (Đống Đa, Hà Nội) vốn là chợ cóc bán hàng chủ yếu cho sinh viên và người lao động. Mấy ngày nay, giá cả đắt đỏ, nên hàng thịt, cá cũng thưa hơn, thay vào đó là các hàng rau, trứng, đậu, cá khô.
Anh Trần Văn và vợ đã lên Hà Nội được 6 năm, nhưng chưa bao giờ anh thèm... thịt lợn như bây giờ. Quê hai vợ chồng anh Văn ở Nam Định. Nhà đông con nên ngay đến mảnh ruộng làm ăn cũng rất khiêm tốn, hai vợ chồng anh chị được 2 sào đất.
Lúc chưa sinh con thì hai vợ chồng đi cày thuê và tiêu tằn tiện thì cũng đủ sống. Nhưng rồi khi sinh con, cả nhà 3 miệng ăn chỉ trông chờ vào mỗi anh và mảnh ruộng bé xíu. Trẻ con lại phải tiêu nhiều tiền, rồi ốm đau, bệnh tật, học hành... bao nhiêu thứ cần đến tiền.
Nghĩ vậy, hai vợ chồng anh chị đành gửi con lại cho ông bà và lên Hà Nội kiếm ăn. Anh Văn xin được làm bảo vệ cho một nhà nghỉ, lương 1,2 triệu đồng/tháng (mỗi ngày làm 2 ca, mỗi ca 4 tiếng đồng hồ được 20.000 đồng), vợ anh Văn thì đi bán báo dạo, mỗi ngày cũng kiếm được 15.000 - 20.000 đồng.
Trước đây, với số tiền ấy, trừ các khoản chi tiêu, vợ chồng anh cũng gửi được 400.000 đồng/tháng về cho ông bà nuôi cháu. Nhưng giờ, số tiền ấy chắc không đủ để chi tiêu, chứ chưa dám nghĩ đến gửi tiền về nuôi con.
"Ngán quá, ăn rau mãi đến sợ. Định mua ít thịt lợn về kho, nhưng đắt quá". Vợ anh Văn cười buồn giải thích thêm: "Gần một tháng nay, hai vợ chồng tôi chỉ đổi món bằng các loại rau. Gạo độ này cũng tăng thêm 2.000 đồng/kg. Cả tuần nay hai vợ chồng tôi sáng phải nhịn ăn, trưa nấu mỳ ăn tạm, tối mới được ăn cơm".
Cứ đà này, anh Văn dự tính: "Có khi phải về quê thôi. Ở đây xa con mà vẫn không kiếm được tiền nuôi nó, thì thà về quê, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo".
3. Cặp lồng cơm lên ngôi
11h30 cả phòng chị Thảo (một nhân viên của cơ quan Nhà nước) náo loạn cả lên. Ai cũng lôi từ trong ngăn tủ làm việc ra một... cặp lồng cơm.
"Chốt then cửa chưa? Cả cửa sổ nữa, đóng vào đi. Bà X... mà biết thì nghỉ việc cả lũ".
Hơn một tuần nay, vì giá cơm tại nhà ăn của cơ quan chị tăng lên 7.000 đồng/suất, nên cả phòng chị Thảo nghĩ ra cách mang cơm sẵn từ nhà đến cơ quan, rồi dùng lò vi sóng (có sẵn) để hâm nóng lại. Nhưng ngặt ở chỗ, theo quy định của cơ quan, thì nhân viên không được ăn uống ở trong phòng.
Biết vậy, nhưng giá cơm ở cơ quan tăng cao quá, lương cơ bản vẫn chưa đến kỳ được tăng. Trong khi chi phí sinh hoạt cái gì cũng tăng "phi mã". Vì thế, so với suất cơm tối thiểu 22.000 đồng/người/bữa ở nhà bếp cơ quan, thì bữa cơm "cặp lồng" rẻ hơn rất nhiều. Phụ nữ thường ăn ít, nên chị Thảo nhẩm tính, chỉ mất tầm 10.000 đồng/bữa.
"Cơm mình nấu, vừa rẻ, vừa dễ ăn lại sạch sẽ", chị Thảo nói.
4. "Thịt cá tăng giá à? Ôi chà, anh chỉ quan tâm vàng, đô thôi!"
Sáng chủ nhật vừa rồi, chúng tôi được một anh bạn (là công chức Nhà nước xịn, có một vị trí kha khá trong một Tập đoàn to của Nhà nước) đi thăm quan căn nhà anh vừa sắm được ở Dương Nội (Hà Nội). Sau bữa sáng theo anh là "đạm bạc" với phở 24 và uống cà phê ở Vincom, anh bạn tôi bảo lái xe chở chúng tôi đi về phía Hà Đông.
Trên xe, bác tài xế bật kênh Đài tiếng nói VN tần số 100MHz, đúng một chương trình phản ánh giá cả thị trường đang tăng vùn vụt. Nghe xong, tôi quay sang anh bạn than phiền: "Giờ cái gì cũng tăng, ngán quá!". Anh bạn giám đốc nãy giờ vẫn chăm chú nghe, quay sang nhìn tôi: "Tăng giá à? Anh cũng không để ý".
Rồi anh tiếp: "Mấy cái thứ thịt, cá ấy tăng đáng bao nhiêu, vài nghìn đồng là cùng. Anh chỉ quan tâm đến vàng, đô thôi".
Quả đúng như anh nói, với thu nhập hàng trăm triệu đồng/tháng, thì số tiền chênh lệch vài trăm, thậm chí vài triệu đồng/tháng có thấm gì. Cơ ngơi mà anh khoe với tôi cũng thật hoành tráng.
Đó là một khu biệt thự gồm 4 căn kề sát nhau. Mỗi căn này đều đã có chủ và theo lời anh thì, đây là một phi vụ "béo bở" vì khi làm hợp đồng, giá nhà được tính bằng đô, mà giá đô lại đang lên. Vì vậy, tuần tới khách đến lấy nhà, chỉ tính riêng tiền chênh lệch tỷ giá, anh đã hời cả trăm triệu đồng.
Theo bee.net