R10 Vô Địch Thiên Hạ
Join Date: Dec 2006
Posts: 88,250
Thanks: 11
Thanked 3,751 Times in 3,090 Posts
Mentioned: 5 Post(s)
Tagged: 0 Thread(s)
Quoted: 8 Post(s)
Rep Power: 109
|
Lãi suất cao có thể làm chết doanh nghiệp
Lãi suất ngân hàng hiện nay đang ở mức rất cao do cuộc đua tranh vượt trần LS huy động 14%/năm của khối NHTM chưa có điểm dừng đang góp phần bóp nghẹt sản xuất và kinh doanh.
(Ảnh: Internet)
Thời gian gần đây, một số ngân hàng đã công khai huy động vốn ở mức lãi suất từ 18 -19%/năm để thu hút người gửi tiền. Để lách trần lãi suất quy định, các ngân hàng có vô vàn cách chi trả phần lãi suất chênh lệch... dần tạo nên cuộc đua lãi suất.
Việc điều chỉnh lãi suất đầu vào kéo theo lãi suất đầu ra tăng khiến nhiều doanh nghiệp vay vốn ngân hàng chịu gánh nặng trả nợ. Tại cuộc hội thảo vừa diễn ra tại hà Nội, các doanh nghiệp phản ánh hiện họ đang phải vay ngân hàng với lãi suất lên tới 24-25%/năm. Những ngày qua, báo chí cũng nêu một số doanh nghiệp phải vay tới 27 – 28% năm.
Một giám đốc doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng cho biết: “Với mức lãi suất 27%/năm, nghĩa là chúng tôi phải chắc chắn có lãi trên 30% mới dám vay. Xin thưa là thời buổi này, gọi là có lãi đã khó rồi đừng nói là lãi trên 30% thì không có đâu.”
Ông Nguyễn Viết Thuận, giám đốc một doanh nghiệp sản xuất có trụ sở tại Mê Linh – Hà Nội cho biết, vốn của công ty ông từ trước tới nay chủ yếu từ ngân hàng. Ông Thuận cũng quả quyết, trông chờ vào vốn ngân hàng đang là “căn bệnh chung” của các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam. Cũng vì thế mà khi lãi suất ngân hàng lên tới gần 30% thì các doanh nghiệp chỉ còn cách “chờ chết” mà thôi.
Ông Thuận cũng buồn bã cho biết rằng, công ty của ông hiện nay đang trong hoàn cảnh như thế. Giảm sản xuất, giảm nhân công... không thiếu cách gì mà ông chưa làm để cầm cự cho doanh nghiệp vượt qua sóng gió có nguồn gốc từ lãi suất.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cũng đang “kêu trời” vì lãi suất cao, khiến giá thành sản phẩm cũng cao lên, do đó, mất lợi thế cạnh tranh với hàng nước ngoài. Ông Trần Văn T. giám đốc công ty xuất nhập khẩu có trụ sở ở Hà Nội cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế về giá cả rẻ cho nên cạnh tranh được với những doanh nghiệp nước ngoài. Nay chúng tôi đã gần như mất hẳn lợi thế này vì vốn vay ngân hàng có lãi suất quá lớn.
Từ chối cho biết phải vay với lãi suất cao nhiêu, nhưng vị giám đốc này cũng cho biết, một doanh nghiệp nước ngoài đang cạnh tranh với doanh nghiệp của ông vay vốn ngân hàng ở nước họ có 2 – 3 %/năm trong khi đó, lãi suất ngân hàng vị giám đốc này đang phải chịu gần gấp 10 lần như thế.
Trao đổi với Tamnhin.net, ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cũng đồng tình với ý kiến của vị giám đốc trên và cho rằng, nguồn vốn cao sẽ kéo theo chi phí, giá thành, tồn kho tăng lên, sức mua, sức cạnh tranh, lợi nhuận thấp đi. Khả năng doanh nghiệp khó sản xuất, đình hoãn sản xuất là rất nhiều.
Ông Cao Sĩ Kiêm cũng khẳng định, mặt bằng lãi suất hiện nay quá cao. Ông Kiêm cũng cho rằng, khả năng chịu đựng, chèo chống qua khó khăn của các doanh nghiệp Việt Nam là rất tốt, bằng chứng là thời gian qua họ vẫn đứng vững dù muôn vàn khó khăn. Tuy nhiên, với lãi suất như hiện nay, các doanh nghiệp phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng cũng khó cầm cự được lâu dài.
Tổng giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng công trình ngầm (Vinavico) cho rằng, lãi suất cao khiến doanh thu giảm nghiêm trọng. Nhiều doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, tỷ lệ nợ tồn đọng cao. Những doanh nghiệp sản xuất lớn với doanh thu hàng tỷ đồng/năm phải thay đổi phương thức hoạt động, nhiều doanh nghiệp biến đối tác thành đồng minh, cùng nhau vượt qua khó khăn.
Một chuyên gia kinh tế cho rằng, không chỉ các doanh nghiệp là nạn nhân của lãi suất cao mà các ngân hàng cũng bị đẩy vào tình trạng bị động với lãi suất. Lãi suất đầu vào đã cao ngất ngưởng 19-20%/năm thì lãi suất đầu ra cũng buộc phải cao. Ngân hàng đã bị động, các doanh nghiệp còn bị động hơn bởi họ phụ thuộc chủ yếu nguồn vốn vào ngân hàng.
Bản thân các doanh nghiệp phải tự cứu mình, xem thực lực của mình đến đâu, không thể chỉ trông đợi vào vốn từ ngân hàng. Về phía cơ quan quản lý, để chống lạm phát, hạn chế tín dụng là cần thiết song không nên sử dụng biện pháp hành chính mà nên áp dụng các công cụ mang tính thị trường nhiều hơn để có hiệu quả dài hạn.
Tuy nhiên, theo ông Cao Sỹ Kiêm, Ngân hàng nhà nước cần theo dõi, nắm được tình hình và có sự giúp đỡ những doanh nghiệp thực sự khó nhưng có khả năng phát triển. Ông Kiêm cho rằng, nếu có sự giúp đỡ từ Chính phủ, các doanh nghiệp này sẽ vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất.
Ngược lại, theo ông Kiêm, nếu không có sự giúp đỡ, các doanh nghiệp này hoặc sẽ chết ngay, hoặc nhảy ra thị trường vay lãi suất cao bằng mọi cách thì cũng chết dần dần, hơn nữa sẽ gây rối thị trường.
Tuy nhiên, theo ông Kiêm, điều quan trọng là doanh nghiệp phải tự cứu mình. Xét lại mình, đánh giá tiềm năng, thế mạnh, hạn chế để tăng cường quản lý, sắp xếp lại hợp lý chèo chống qua thời gian ngắn này.
Nguyên Dương
Tamnhin
|