Kể từ sau khi Hà Nội bác bỏ quan điểm của Bắc Kinh trong vụ tàu Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông, báo chí các nước trong khu vực nóng lên từng ngày với các bài đưa tin và bình luận.
The Nation, Thái Lan
Sau 15 năm ngoại giao lặng lẽ và kiên nhẫn trong vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông, các nước Asean và Trung Quốc dường như đã mệt mỏi bởi không đạt tiến triển cũng như một cơ chế phát triển chung. Số lượng các vụ va chạm hoặc xâm nhập tăng lên trong hai năm gần đây. Philippines và Trung Quốc vừa có một tranh cãi ngoại giao lớn hồi tháng ba khi tàu Trung Quốc đụng độ tàu Philippines.
Hải quân trên đảo Trường Sa Đông đang canh giữ vùng biển đảo thiêng liêng của tổ quốc. Ảnh:
Nguyễn Hưng.
Tuyên bố về quy tắc ứng xử trên biển Đông ký giữa Asean và Trung Quốc năm 2002 đã có đóng góp phần nào duy trì ổn định trên Biển Đông trong những năm qua, nhưng việc thiếu một cơ chế ràng buộc khiến cho tình hình trong tương lai trở nên khó đoán. Các nước trong Asean đang mong muốn sớm có bộ quy tắc ứng xử làm cơ sở cho việc giải quyết trong hòa bình.
Cuộc tranh chấp mang tính khu vực suốt 15 năm qua đã có bước chuyển quan trọng vào tháng 7 năm ngoái khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nêu ra vấn đề an ninh và tự do hàng hải ở Biển Đông, tỏ ra ủng hộ mạnh mẽ hơn đối với quan điểm của Asean. Đi xa hơn, Mỹ còn đề nghị trợ giúp các bên tìm giải pháp ngoại giao.
Điều này chắc chắn đã khiến Ngoại trưởng Dương Khiết Trì của Trung Quốc không bằng lòng. Trong những năm gần đây Bắc Kinh dường như có xu hướng muốn giải quyết tay đôi với từng bên trong tranh chấp ở Biển Đông, trong khi Asean nghiêng về một tiếng nói chung.
Daily Inquirer, Philippines
Nhật báo hàng đầu của quốc đảo này cho biết các quan chức quốc phòng và giới quân sự cấp cao đang họp bàn cách tăng cường lực lượng quân sự trước những hành động mới đây của Trung Quốc trên biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin nói, ông muốn Asean có sự tham gia nhiều hơn nữa trong giải quyết tranh chấp trên Biển Đông. "Chúng tôi muốn nói chung một tiếng nói của Asean".
Gazmin cũng khẳng định Philippines lựa chọn các giải pháp ngoại giao chứ không đối đầu quân sự.
Manila Standard, Philippines
Tổng thống Philippines Benigno Aquino III đã cảnh báo Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt trong chuyến thăm gần đây của ông này tới Manila rằng, bất cứ hành động khiêu khích nào trong khu vực tranh chấp tại Biển Đông có thể kích động cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.
Ông Aquino hy vọng sẽ nêu vấn đề Biển Đông trong cuộc gặp gỡ với Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah tuần này. "Chúng ta có rắc rối chung đó là vấn đề Biển Đông", Aquino nói.
"Chúng ta cần có một sự thống nhất trong nội bộ ASEAN. Đó sẽ là cách thức chúng ta giải quyết vấn đề ở Biển Đông".
The Edge, Malaysia
Báo này hôm 31/5 dẫn lời của Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi cho hay, Mỹ muốn làm rõ với các nước Đông Nam Á rằng sự hiện diện của Mỹ chỉ nhằm duy trì sự ổn định trong khu vực giàu tài nguyên này.
"Họ muốn đảm bảo rằng các nguồn tài nguyên cần được chia sẻ và sử dụng cho sự phát triển của các nước liên quan", ông nói sau khi tiếp Tư lệnh hạm đội Thái Bình dương của Mỹ, Đô đốc Robert Williard.
Ahmad Zahid bình luận rằng việc đối thoại giữa các bên liên quan là nhằm ngăn chặn xung đột có thể xảy ra giữa các nước đang cùng tuyên bố chủ quyền các vùng tranh chấp ở Biển Đông.
Bangkok Post, Thái Lan
Bài bình luận của báo này có tiêu đề "Vấn đề cũ, mối đe dọa mới", cho rằng Biển Đông là một trong những khu vực biển nguy hiểm nhất thế giới, bởi ngoài thiên tai còn tồn tại tranh chấp quốc tế.
Sau một thời gian yên tĩnh, những cơn gió mới lại đang quét qua chính trị Biển Đông.
Cần có sự hợp tác xuyên biên giới, và cả may mắn nữa, để tránh xảy ra xung đột.
Japan Times, Nhật Bản
Báo tiếng Anh hàng đầu của Nhật đăng bài bình luận của Michael Richardson, nghiên cứu viên cấp cao của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á với tựa đề "Trung Quốc tăng cường khai thác và hăm dọa".
Richardson viết: "Trung Quốc vừa khánh thành một giàn khoan dầu khí khổng lồ nhằm củng cố cho những tuyên bố về cái gọi là chủ quyền của họ đối với các đảo, vùng nước, đáy biển ở chính vùng biển là trái tim của Đông Nam Á.
Trung Quốc đòi kiểm soát tới 80% biển Đông, xa về phía nam đến tận ngoài khơi các đảo Natuna của Indonesia và bang Sarawak của Malaysia. Nhưng cho đến nay các hoạt động khai thác dầu khí của Trung Quốc chủ yếu ở phía bắc của Biển Đông. Nay, với sức mạnh quân sự tăng lên cũng như cơn khát nhiên liệu cho nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh, họ ngày càng ngang nhiên trong việc khẳng định và thực thi các tuyên bố về chủ quyền trên Biển Đông để tìm cách khai thác tài ngyên.
Giàn khoan dầu khí khổng lồ nói trên ra mắt cuối tháng 5 với sự phô trương thanh thế trên báo chí Trung Quốc. Giàn cho phép Tập đoàn dầu khí hải dương Trung Quốc khoan khai thác ở độ sâu tới 3.000 mét, gấp 6 lần độ sâu của các giàn khoan của các nước láng giêng. Đây là chiếc đầu tiên trong một loạt giàn khoan lớn mà Trung Quốc có kế hoạch xây dựng.
Với độ cao ngang một tòa nhà 45 tầng, giàn khoan khổng lồ này nếu vừa khoan vừa chế biến xăng dầu, nó có thể gây thảm họa môi trường. Người có nguy cơ gánh chịu thảm họa ấy là các quốc gia có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với nhau và với Trung Quốc, ở phía nam Biển Đông. Bản thân Trung Quốc sẽ không sao, bởi nó ở quá xa so với vị trí của giàn khoan nên nếu có tràn thì dầu cũng không tới bờ Trung Quốc.
Thanh Mai
Theo vnexpress