QUẢNG NAM - Bốn trăm mười tỉ đồng bỏ ra xây ‘tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng’, con số đó hoàn toàn không nhỏ, và nó lớn gấp bội khi mà đời sống người dân hiện tại vẫn còn nhiều bà mẹ già mỗi ngày chỉ kiếm được chưa đến 10 ngàn đồng để sống qua ngày!
Phác thảo tượng đài ‘Mẹ Việt Nam anh hùng’ với chi phí xây dựng 410 tỷ đồng Việt Nam. (Hình: VNExpress)
Ở một đất nước có quá nhiều người nghèo, mang tiền ra xây tượng đài bằng chính mồ hôi, nước mắt, xương máu lẫn trong tiền thuế của nhân dân là một câu chuyện hết sức phi lý. Nhưng chuyện đó đã xảy ra!
Một vài thông tin chung mà các báo trong nước đã đưa tin:
“Ngày 14 tháng 7, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh đã ký quyết định bổ sung 330 tỉ đồng cho dự án xây dựng tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng, lấy nguyên mẫu mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ, tại khu vực núi Cấm (xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam), nâng tổng số tiền đầu tư từ ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh lên hơn 410 tỉ đồng, gấp 5 lần số tiền được phê duyệt ban đầu là 81 tỉ đồng (vào tháng 8 năm 2007).”
Người mẹ này rời quê ra phố làm giúp việc nhà, mỗi tháng kiếm được 600 ngàn đồng, vị chi mỗi ngày 20 ngàn đồng, với mẹ, đây là cơ hội bằng vàng. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)
“Toàn khối tượng đài có hình dáng của một ngọn núi nhô cao ở giữa và thoải dần ở hai bên. Chính giữa khối tượng đài là chân dung bán thân mẹ Việt Nam anh hùng, lấy nguyên mẫu là mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ, hai bên vách đá thể hiện gương mặt những người con...”
“Theo ông Ðinh Gia Thắng, tác giả thiết kế, chịu trách nhiệm thi công tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng, sau khi hoàn thành, tượng đài không chỉ lớn nhất Việt Nam mà còn lớn nhất Ðông Nam Á.”
“Nói về bản thiết kế và thi công mẫu tượng theo tỉ lệ 1/1, tác giả công trình cho biết: Nơi cao nhất của khối tượng là 18m, chiều thấp nhất tại hai đầu vách là 6.8m, chiều rộng theo đường cong là 120m, độ dày nhất tại chân dung là 21.6m, độ mỏng nhất tại hai đầu vách là 8m bằng chất liệu granit...”
***
Nếu chịu khó đi dạo các chợ ở tỉnh Quảng Nam, nơi xây dựng tượng đài, có ít nhất không dưới ba chục bà mẹ nghèo, tuổi trên 70, ngồi bán từng bó rau heo, từng lọn trầu, miếng cau, cái trứng cút để sống qua ngày... Tiền lãi chẳng là bao nhiêu, hầu hết là dưới 10 ngàn đồng/ngày.
Nếu đem chia con số 410 tỉ đồng cho 10 ngàn, đáp số của nó là 41 triệu đồng, đem chia tiếp cho 10 nữa, còn được 4 triệu một trăm ngàn đồng. Một con số rất lớn đối với cụ thể là một trăm ngàn bà mẹ quê nghèo khổ, không có nơi nương tựa, không có chỗ che mưa che nắng, không còn sức lao động...
Trong khi đó, đi khắp từ Bắc chí Nam, từ Lạng Sơn cho đến Cà Mau, đâu đâu cũng thấy những người già tội nghiệp, nghèo khổ, hằng ngày phải lo bươn chải kiếm cái ăn, cái mặc, đói lạnh và buồn tủi, không có ngày mai.
Lúc này, câu hỏi được đặt ra là nhân dân đóng thuế để làm gì? Không ai mong muốn hằng ngày phải cong lưng đóng thuế để xây dựng hình tượng một bà mẹ to như quả núi đá vô tri vô giác đứng thách thức nỗi thống khổ, đói rách của cộng đồng, của dân tộc và rộng hơn là của đồng loại.
Ðiều này cho thấy gì? Nó phát biểu rõ nét một thứ chủ nghĩa hình thức và vô cảm.
Nói nó hình thức bởi nó phục vụ cho một loại hình tuyên truyền, “ghi công”, “nhớ ơn” quá đà (mà cái đà ở đây chính là mức sống, an sinh của nhân dân), thậm chí đi đến lố bịch bởi thứ mặc cảm về cái “to nhất”, “vĩ đại nhất”, “hoành tráng nhất”...
Những thứ hình thức đó chỉ hợp với những tham vọng độc tài, khoa trương và có xu hướng nhốt kín cái nhìn cộng đồng vào bốn bức tường tư duy, định hướng của một phe nhóm, đảng phái nắm quyền.
Và để thỏa mãn cái hình thức đó, người trả giá, chịu trận lớn nhất không ai khác chính là nhân dân, kẻ bị bóc lột một cách khéo léo và lạnh lùng bởi phe nhóm và đảng phái nói trên.
Nếu đặt ngược vấn đề, bảo rằng đây là một công trình nhân bản, tính hình thức là thứ yếu, vấn đề chính yếu vẫn là khái quát hình tượng người mẹ trong lòng con dân một dân tộc, thể hiện lòng tri ân và tôn trọng lịch sử chẳng hạn... thì lại rơi vào chỗ xảo trá và lừa bịp.
Người mẹ 90 tuổi, ngồi bán trầu cau trong chợ Hà Lam, Thăng Bình, Quảng Nam, mỗi ngày kiếm được 10 đến 15 ngàn đồng để sống. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)
Bởi không thể có bất kỳ hình tượng nào tồn tại trên mồ hôi, xương máu của nhân dân trong lúc cái nghèo, cái đói còn là nỗi ám ảnh khôn nguôi!
Thử hỏi có một công trình nào ở Việt Nam mà không có sự “chấm mút” của các bên liên quan, từ chính quyền địa phương cho đến nhà thầu xây dựng, người phác họa ý tưởng...
Nói cho sang là sáng tạo hình tượng, phác họa ý tưởng nghệ thuật, nhưng thực chất bên trong là kiếm cơm bằng cách vẽ vời tung hê, tung càng cao cơm càng nhiều, rượu càng ngon, thịt càng lạ, gái càng đẹp và nhà càng rộng!
Ðiều này gọi là gì nếu không phải là vô cảm là trí trá trên sức cần lao của nhân dân?!
(LT)
Liêu Thái/Người Việt