Thông tin về ngôi nhà 3 gian làm bằng gỗ sưa đỏ trị giá 70 tỷ đồng ở Bắc Giang mấy ngày gần đây đã gây xôn xao dư luận. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, lượng gỗ đủ để làm ra ngôi nhà như vậy chắc hẳn phải được khai thác trong tự nhiên với số lượng lớn cây nhiều tuổi. Và giá trị mỗi loài gỗ nằm ở đặc tính khoa học riêng của từng loại chứ không nằm trong số tiền mà người ta "khoác" cho nó.
>> Xôn xao ngôi nhà làm từ gỗ sưa... trị giá 50 tỷ
Gỗ quý = khó tính
KS Lê Thị Kim Thanh, Vườn Bách Thảo Hà Nội cho biết, sưa đỏ phân bố chủ yếu ở miền Bắc, những nơi có không khí lạnh với mùa đông kéo dài. Khi khai thác sưa đỏ, người ta sẽ chỉ lấy phần lõi màu đỏ nâu vì đây là phần có giá trị nhất của cây. Để tìm ra những thân cây có kích thước lớn đến mức có thể làm được nhà như ngôi nhà ở Bắc Giang đòi hỏi phải có một lượng cây lớn trong tự nhiên.
|
Cây sưa đỏ |
"Có thể khẳng định rằng nếu đó là gỗ sưa đỏ thật thì nó phải được khai thác ở các vùng ngoài tự nhiên, chứ ở khu vực Hà Nội thì không có. Bách Thảo đang lưu giữ 40 cây to và nhiều cây con, nhưng cây nào cũng có hồ sơ quản lý, không ai có quyền động vào cây, an ninh cẩn mật nên không thể có khả năng bị mất trộm được", KS Lê Thị Kim Thanh khẳng định.
Cũng theo KS Lê Thị Kim Thanh, nhóm gỗ quý có nhiều chủng loại như hoàng đàn, gụ, mật, lim xanh, đinh, sến, táu... Đa số gỗ quý có giá trị sử dụng lâu dài, không bị mối mọt, không bị vi khuẩn xâm nhập hoặc có mùi thơm vĩnh viễn, vân thớ đẹp... Có những loài thuần chủng không thể lai tạo được. Riêng sưa đỏ phải có tuổi đời 20 năm mới có thể cho gỗ để sử dụng.
PGS.TS Trần Hợp, giảng viên khoa Sinh học, ĐHKHTN, ĐHQG TPHCM cho biết, gỗ quý được hiểu là gỗ tốt, bền, không mối mọt, có mùi thơm. Gỗ sưa quý vì vân gỗ đẹp, không bị nứt, không bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ, chôn xuống đất cả năm không bị mối mọt. Có một đặc điểm chung dễ nhận thấy là gỗ quý thường khó tính. Chúng sinh trưởng chậm và chỉ sống trong một điều kiện tự nhiên nhất định nào đó. Có những cây chỉ mọc trong khe núi đá, có cây lại chỉ sống ở trên núi cao, chịu nhiệt độ lạnh. Thay đổi môi trường sống là lập tức chúng sẽ bị chết.
Công nghệ cũng biến gỗ thường thành gỗ quý
PGS.TS Trần Hợp cho biết, gỗ quý được phân ra thành nhiều nhóm khác nhau theo thứ bậc 1, 2, 3 và dựa trên những tiêu chí khác nhau như về tỷ trọng, độ uốn, màu sắc, mùi, vân thớ... Những cây gỗ này được đội giá ngày một cao do càng ngày càng hiếm trong tự nhiên, nhất là những cây gỗ lớn. Tùy từng giống khác nhau mà chúng có thời gian sinh trưởng khác nhau, nhưng có những loại cây thì phải đến vài trăm năm chúng mới thực sự có giá trị. Những đặc tính này là do gen của chúng quy định.
Với công nghệ phát triển như hiện nay thì người ta hoàn toàn có thể biến gỗ thường thành gỗ quý. Từ những loại gỗ tạp, người ta có thể sử dụng hóa chất ngâm tẩm để có những tính năng giống như gỗ quý. Gỗ cây cao su là một ví dụ. Trước đây người ta chỉ sử dụng cây cao su để lấy mủ, nhưng giờ đây, qua việc sử dụng các hóa chất người ta có thể tạo ra cả vân gỗ đẹp và chất gỗ tốt. Gỗ của cây cao su cũng trở thành gỗ quý nhờ những công nghệ này.
"Gỗ quý thực sự là gỗ quý khi nó tồn tại trong tự nhiên như một di sản. Với sự phát triển của khoa học công nghệ thì kể cả gỗ nhân tạo cũng có những đặc tính gần như gỗ tự nhiên", PGS.TS Trần Hợp nhấn mạnh.
“Trước đây sưa đỏ được trồng nhiều nhưng cũng không ai để ý đến giá trị của nó. Đến nay, người ta mới đổ xô theo trào lưu để săn tìm loại gỗ này. Nếu có hiểu biết về đặc tính của từng loại gỗ khác nhau thì người ta sẽ không chạy theo trào lưu, bỏ ra hàng chục tỷ đồng để có được những thớ gỗ mà chính họ cũng không biết giá trị thực của chúng".
|
Chia sẻ qua:
Theo Bee.net.vn