Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi động thái gia tăng hiện diện quân sự của Mỹ ở Thái Bình Dương là tái hồi chiến lược chiến tranh Lạnh.
Nguyên cớ của tuyên bố như vậy là thỏa thuận giữa Washington và Canberra về việc bố trí 2.500 lính thủy quân lục chiến đồn trú tại căn cứ ở thành phố Darwin miền Bắc Australia.
Giới quan sát viên ghi nhận xu thế chính về tăng cường cạnh tranh quân sự ở Thái Bình Dương: nền kinh tế Trung Quốc càng phát triển mạnh hơn và lực lượng vũ trang của quốc gia này càng hiện đại hóa nhanh hơn, thì hầu như song song Mỹ cũng hành xử ráo riết hơn trong khu vực. Thể hiện rõ sự gia tăng mâu thuẫn chiến lược của hai cường quốc.
Và nếu việc triển khai điều động các đơn vị thủy quân lục chiến chỉ đóng một vai trò khá tượng trưng về thực hiện qui ước nghĩa vụ đồng minh, thì hiện diện của người Mỹ tại vùng eo biển Malacca lại thực sự tạo điều kiện cho họ kiểm soát và khi cần sẽ nắm lấy “nút cổ chai” mà qua đó dòng dầu mỏ từ Trung Đông lưu thông đến Thái Bình Dương. Theo chiều ngược lại là dòng hàng hóa công nghiệp.
Mỹ cũng không sửa soạn cắt giảm cơ số đội quân đông đảo của mình ở phần Tây Thái Bình Dương. Đó là 80.000 quân tại Nhật Bản và 28.000 quân tại Hàn Quốc. Minh chứng về ý định trên còn là cả chuyến công du vừa kết thúc của Ngoại trưởng Hillary Clinton đến Myanmar. Lãnh đạo cơ quan ngoại giao của nước Mỹ không đến nơi này từ năm 1955. Nhưng ngay khi chính quyền nước sở tại tuyên cáo rằng họ sẵn sàng tiến tới cải cách dân chủ, Washington liền tỏ ra không chậm trễ trong việc tận dụng lợi thế.
Tuy nhiên bản chất của chuyến thăm, như nhận xét của giới quan sát viên, không phải là để ủng hộ dân chủ và cải cách, mà điều chủ yếu là phô trương cho Trung Quốc thấy rằng quyền lợi của Bắc Kinh tại Myanmar không hoàn toàn trùng hợp với quan tâm của người Mỹ.
Mới cách đây chưa lâu, khi đến thăm khu vực này, ông chủ Lầu Năm Góc Leon Panetta đưa ra tuyên bố ngắn gọn: người Mỹ không có kế hoạch giảm bớt hiện diện của mình trong khu vực. Chiến lược của Washington hướng tới mục tiêu tạo ra một “đối trọng khẳng định” - như cách gọi ở Washington - với chính sách của Trung Quốc. Đó cũng là cách hiểu của người Mỹ về sự bùng phát những tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, về gia tăng chi phí quân sự của cường quốc Á châu này, - chuyên viên phân tích quân sự Nga Viktor Baranets nhận xét.
Ông Baranets nhận định: “Trung Quốc đang phô trương cơ bắp quân sự của mình cả trên đất liền và trên biển và còn đang tiến vào không gian vũ trụ. Trung Quốc mua tàu sân bay cũ đem tân trang rồi thử nghiệm trong tập trận hải quân trên biển, động tác chọc ngoáy kích thích thần kinh người Mỹ. Nói chung, sự thống lĩnh của Mỹ trên vùng biển khu vực này dần dần bị đẩy lui xuống ngang tầm với lực lượng vũ trang Trung Hoa. Bởi Trung Quốc có cả tàu ngầm hạt nhân cùng chiến hạm nổi, có cả không lực của hải quân”.
Sự đối kháng này có thể tạo nguy cơ nảy sinh xung đột quân sự trong khu vực, chuyên viên phân tích quân sự Nga Vladimir Evseev khái quát.
Nhìn chung, các chuyên viên Nga chỉ ra một lý do rất quan trọng để tránh xảy ra viễn cảnh nguy hại đó. Trung Quốc và Mỹ là những nền kinh tế hàng đầu của thế giới và có sự ràng buộc với nhau khá chặt chẽ, khiến cho bất kỳ cuộc xung đột quân sự giữa hai cường quốc cũng có thể gây ra thảm họa kinh tế toàn cầu. Cả Bắc Kinh lẫn Washington đều hiểu như vậy.
Do đó nhiều khả năng họ sẽ cố không đi tới điểm không thể trở lui. Tại khu vực Thái Bình Dương cần tạo lập một cơ chế đảm bảo an ninh như OSCE, - các chuyên viên nhận định. Và hiện thời vẫn còn khả năng sử dụng những đòn bẩy hành động hiện có. Trong năm tới, Nga sẽ tiếp đón các lãnh đạo APEC tại Vladivostok. Theo sáng kiến của ban lãnh đạo Nga, vấn đề giảm bớt mạo hiểm chạy đua vũ trong khu vực cần được kết cấu vào chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh APEC lần tới.
Theo RUVR