Tây Bắc gắn với biết bao kỳ thú. Song dường như khí xuân tràn về thì những tinh túy của trời đất mới dần hé lộ ra, như để tiếp sinh lực cho hồn rừng núi ở nơi hoang sơ trên dải hình chữ S nước Việt Nam.
Khi hoa cúc quỳ lìa nhụy theo từng cơn gió lạnh, cũng là lúc hoa đào hồng bạt ngàn trên dọc cung đường Tây Bắc. Lúc này, ngược qua đây, ta sẽ như lạc vào vườn xuân kỳ diệu. Đó là dịp Tết của đồng bào Mông nhuốm rực những sắc mầu thổ cẩm.
Chuyện về 10 ông mặt trời trong ký ức đồng bào Mông
Lễ cảm tạ mó nước trong dịp du xuân của đồng bào Mông ở Mộc Châu Người Mông ở Tây Bắc thường chơi xuân dài, và ăn Tết sớm hơn miền xuôi một tháng. Tết của đồng bào Mông thì bao giờ cũng to. Bởi việc chơi xuân không chỉ vui, mà còn là dịp để họ nhớ về cội nguồn, làng bản.
Chuyện kể rằng, và trong tâm thức của đồng bào Mông ở Tây Bắc giờ vẫn vậy, họ luôn coi trọng những gì mà nguồn cội, thiên nhiên ban tặng. Thuở xưa, trên trái đất mà người Mông sinh sống, có đến 10 ông mặt trời chiếu rọi thiêu đốt nương rưỡng cây cỏ. Cuộc sống tần tảo, nhưng sức hữu hạn của đồng bào không thể quẩy nước mãi mãi cho những ruộng nương khô cháy ấy. Mùa màng thất bát, cuộc sống cực khổ với cái nóng thiêu rừng, đốt thác tưởng như loài người trên trái đất thành tro bụi. Bỗng một hôm, hình dáng một người trong trang phục của đồng bào ngang qua bản. Muốn xin nước để uống thì người dân kể lại cho câu chuyện. Nghe xong, vị này đã giương nỏ về phía ánh sáng thiêu đốt trên cao, hạ từng ánh sáng rơi xuống vườn đào như hoa độ mãn. Đến mặt trời thứ 10, khi người này vừa giương nỏ lên thì mặt trời khiếp sợ chạy trốn. Con người không nhìn ra nhau, nưỡng rẫy không trồng trọt được vì tăm tối.
Trong dịp du xuân, quan trọng nhất là
lễ gọi thần mặt trời vào sáng sớm
Không thể để bản làng cứ ngập chìm trong bóng đêm. Người Mông đã tìm mọi cách để gọi thần mặt trời về. Nhưng gọi mãi cũng chỉ là tiếng vô vọng đập vào đá núi. Bỗng một tiếng gà cất tiếng gáy, ánh sáng dần bừng từ phía xa góc núi, rồi nhô dần trong sương. Mọi người nhìn thấy mặt nhau, sự sống được trở lại. Từ bấy đến nay, người Mông tôn thờ gà và họ coi đó là vị thần mặt trời thứ 2, trong tâm thức của người dân bản.
Đồng bào Mông ở Mộc Châu tôn thờ những giá trị cội nguồn. Họ coi Tết là dịp thiêng liêng nhất trong năm. Và đó cũng là dịp để cảm tạ trời đất, đã mang lại cuộc sống ấm no cho dân bản. Ai đã qua nẻo đường xuân Tây Bắc thì không thể bỏ qua được cái Tết này. Bởi đây không chỉ là dịp chơi xuân mà còn là mùa tri ân đối với họ…
Trong dịp Tết lông gà được dán khắp tường, nơi trang trọng nhất
Ngày xuân cảm tạ bố vợ.
Tết ở miền xuôi, các chàng rể thường mang gà trống đến biếu bố vợ. Tục lệ người Mông cũng như thế. Trước khi đến cảm tạ bố vợ, người con rể thường cài lông gà khắp nhà. Họ làm thế coi như cảm tạ một vị thần đã mang lại ánh sáng cho bản làng. Và phải có ánh sáng thì mới mang lại những giá trị mà cuộc sống đang hưởng thụ. Vì thế, những lông gà có khắp nhà trong ngày Tết như thế, có nghĩa thần mặt trời đang soi sáng, che chở cho mình và bản mình hôm nay.
Lễ vật cảm tạ bố mẹ vợ trong dịp Tết
Chọn một chú gà trống thật ngon. Mùa A Páo, ở Loóng Luông, Mộc Châu cho gà vái tứ phương, rồi cắp đến biếu bố vợ. Đây là lời cảm tạ vô cùng cao quý mà người con rể gửi biếu bố vợ vào dịp đầu xuân. Đó là sự biết ơn ông đã cho mình một người vợ hiền, chăm chỉ, hạnh phúc. Khi Páo cắp gà đến nhà bố vợ, Páo phải hẹn trước để bố vợ ngồi đợi và đứng nhận lời cảm tạ mà chàng rể mang đến.
Lễ cảm tạ bố vợ của Mùa A Páo ở Mộc Châu
Chiếu trải sẵn ở gian giữa nhà thật trịnh trọng. Bố vợ ngồi ghế trên để cho con rể Páo vái chào và biếu lễ vật. Sau khi bố vợ nhận lời cảm tạ, Páo phải trở về nhà làm một lễ khác quan trọng không kém. Đó là lễ cảm tạ những dụng cụ lao động. Trước khi xuân đến, gia đình Páo, và tất cả đồng bào Mông ở Mộc Châu đều làm thế. Họ phải rửa sạch cày, cuốc, dao… những dụng cụ lao động thường ngày mình dùng. Rồi mang những dụng cụ để dưới bàn thờ giữa nhà làm lễ cúng tế. Bao giờ cũng vậy, họ cảm tạ trời đất, sau đến những vật dụng nuôi sống họ.
Cảm tạ dụng cụ lao động là điều mà họ thường làm trong dịp Tết
Người Mông luôn quan niệm rằng, không có vật dụng ấy thì họ chẳng bao giờ có cuộc sống sung túc cả. Chính vì thế, sau khi hành lễ xong, những người trong gia đình đi lấy nước ở mó gần nhà nhất.
Trẻ em Mông vui xuân
Mó nước đối với người Mông nói riêng và đồnhg bào Tây Bắc noi chung là vị thần mạch nguồn trong cuộc sống. Khi mang nước về, họ tưới quanh nhà cho cây cối tốt tươi. Vừa để cảm tạ những vị thần núi rừng đã cho họ có cuộc sống no đủ, để xuân sau họ sẽ có một mùa mới thật vui.