Iran hôm qua ra lời cảnh báo Mỹ không được điều tàu sân bay tới vịnh Ba Tư, nhưng Washington quyết đảm bảo sự hiện diện của mình tại khu vực này.
|
Tàu sân bay USS John C. Stennis của Mỹ tại vùng biển vịnh Ba Tư. Ảnh: AFP |
CNN dẫn lời Ataollah Salehi, tư lệnh quân đội Iran phát biểu sau khi kết thúc cuộc tập trận trên biển, cho biết "tàu của Mỹ đã đến vịnh Oman vì cuộc tập trận của Iran, chúng tôi yêu cầu và nhấn mạnh tàu Mỹ không nên quay lại vịnh Ba Tư nữa, chúng tôi không có thói quen nhắc lại lời cảnh báo hơn một lần" và "Iran không chấp nhận bất cứ một hành trình phi lý nào và sẵn sàng đáp trả đến cùng tất cả các mối đe dọa".
Iran đang nói đến sự hiện diện tàu sân bay USS John C. Stennis của hải quân Mỹ tại eo biển Hormuz. Con tàu di chuyển từ vịnh Ba Tư đến biển bắc Arab trong chương trình mà Hạm đội 5, hải quân Mỹ cho biết là kế hoạch quá cảnh.
Iran nói sự xuất hiện của tàu Mỹ trong quá trình tập trận của Iran chứng tỏ Mỹ đã "thấu hiểu" được mục đích của Iran không chỉ là cảnh cáo mà là sẽ bảo vệ "lợi ích và sức mạnh" của mình tới cùng,
IRNA cho hay.
Sau khi lời cảnh báo của Iran được đưa ra, người phát ngôn Lầu Năm Góc, Geogre Little, khẳng định "sự hiện diện của lực lượng quân sự Mỹ tại vịnh Ba Tư sẽ vẫn tiếp tục trong vài thập kỷ tới". "Tàu Mỹ đi qua eo biển Hormuz hoàn toàn phù hợp luật biển và các công ước quốc tế cho phép chúng tôi có quyền qua lại khu vực này. Lực lượng tàu của chúng tôi góp phần đảm bảo tự do hàng hải, cơ sở của sự thịnh vượng chung toàn cầu, đây cũng chính là lý do của sự hiện diện quân đội Mỹ trong khu vực", Little cho biết.
|
Bản đồ eo biển Hormuz. Đồ họa: Graphic Maps |
Mỹ duy trì sự hiện diện của mình tại vịnh Ba Tư từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Tàu thuyền của Mỹ qua lại vịnh Ba Tư thường xuyên để đến nơi đóng quân của Hạm đội 5 tại Bahrain. Phạm vi hoạt động của Hạm đội 5 trải rộng trên 2,5 triệu km2, bao gồm vịnh Ba Tư, biển Đỏ, vịnh Oman và một phần Ấn Độ Dương.
Các phát ngôn qua lại giữa Iran và Mỹ trong thời gian qua đã làm tăng mức độ căng thẳng tại con đường giao thông huyết mạch của dầu mỏ. Điều này khiến giá dầu trên thị trường quốc tế tăng cao do lo ngại gián đoạn về nguồn cung cấp. Chiều 3/1, giá dầu thô tại London đã lên mức 111 USD/thùng, tăng thêm 4 USD/thùng so với phiên buổi sáng.
Nhưng áp lực còn lớn hơn với Iran khi tỉ giá đồng Rian so với USD giảm đến mức kỷ lục, giảm hơn 40%, sau khi Tổng thống Obama thông qua điều luật nghiêm cấm các cơ quan tài chính Mỹ có giao dịch với ngân hàng nhà nước Iran và Bộ trưởng Ngoại giao Pháp kêu gọi châu Âu phối hợp với hành động của Mỹ, cắt các giao dịch với ngân hàng Iran và cấm vận xuất khẩu dầu mỏ của nước này, như một công cụ làm tê liệt chương trình hạt nhân của quốc gia Hồi giáo.
Các chuyên gia dự đoán Iran khó có thể đóng cửa eo biển Hormuz vì như vậy đồng nghĩa với việc "tự sát". Đóng cửa eo biển này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế Iran, quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ tư thế giới. Jean-Paul Rodrigue, chuyên gia về địa lý vận tải của đại học Hofstra, Mỹ, nói "nhiều nhất là Iran sẽ phong tỏa Hormuz trong một thời gian ngắn".
Vũ Hà
VNE