Theo báo "Bưu điện Quốc gia" (Canada), Trung Quốc là nước được hưởng lợi nhiều nhất từ các kế hoạch trừng phạt Iran của Mỹ và châu Âu, trong một nỗ lực nhằm buộc Tehran phải từ bỏ chương trình hạt nhân.
Khi các thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đang thương lượng về một lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Iran, và Mỹ bắt đầu áp đặt các lệnh trừng phạt gây khó khăn cho việc thanh toán toàn cầu mua dầu mỏ của Iran thì Trung Quốc đã tận dụng thời cơ có được từ sức ép đang ngày một tăng lên này đối với Iran. Theo các nhà phân tích dầu mỏ, Trung Quốc đang yêu cầu giảm giá và những điều khoản "hời hơn" đối với dầu mỏ của Iran. Ông Michael Wittner, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường dầu của Ngân hàng Societe Generale SA (Pháp), nhận định : "Các lệnh trừng phạt chống Iran đang làm tăng vị thế của Trung Quốc trên bàn thương thuyết".
Trong khi Mỹ đang phải chịu hầu hết phí tổn của việc tuần tra, giám sát hải quân và không quân tại eo biển Hormuz, tuyến đường mỗi ngày vận chuyển tới 17 triệu thùng dầu thô, 20% lượng cung dầu của thế giới, thì Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu mỏ lớn thứ hai thế giới sau Mỹ - đang được bảo vệ mà chẳng mất xu nào. Đô đốc Dennis Blair, cựu Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ, nhận xét Mỹ đang phải chịu chi phí kiểm soát khu vực và làm lợi cho Trung Quốc.
Hoạt động hạt nhân khiến ngành dầu mỏ Iran chịu thiệt hại nặng vì bị trừng phạt
Gần đây, một số quan chức Iran đã đe dọa đóng cửa eo biển Hormuz nếu Mỹ và châu Âu thực thi các lệnh cấm vận dầu mỏ. Theo cơ quan thông tin năng lượng Mỹ, Washington đang nhập khẩu 18% lượng dầu thô và các sản phẩm xăng dầu từ Vịnh Persian. Trong 7 tháng đầu năm 2011, Trung Quốc đã nhập khẩu 5,09 triệu thùng dầu/ngày, trong đó 51% từ Trung Đông. Lượng dầu mà Trung Quốc nhập khẩu từ Iran trong 11 tháng đầu năm 2011 đã tăng 29% so với cùng kỳ năm 2010, lên 25,3 triệu tấn. Kim ngạch nhập khẩu dầu đã tăng 80% lên 19,7 tỷ USD.
Theo chuyên gia năng lượng Erica Downs thuộc Viện nghiên cứu Brookings, là nền kinh tế lớn thứ hai sau Mỹ, Trung Quốc thường được "ăn theo" về kinh tế, dù không có những căng thẳng hiện nay tại Vịnh Persian. Tại Afghanistan, Trung Quốc đã được lợi về kinh tế từ cuộc chiến tranh do Mỹ cầm đầu lật đổ Taliban. Năm 2007, Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc đã giành được quyền khai thác vỉa đồng lớn nhất của Afghanistan, trong khi các binh sĩ Mỹ vẫn đang chiến đấu và trả giá bằng hàng nghìn sinh mạng tại nước này.
Dầu mỏ là nguồn thu nhập chính của Iran, năm 2010 đã mang về cho nước này 73 tỷ USD và cung cấp tới hơn 50% ngân sách quốc gia. Là nước sản xuất dầu lớn thứ hai trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sau Arập Xêút, trong năm 2010, trung bình mỗi ngày Iran xuất khẩu 2,58 triệu thùng dầu. Mỹ và châu Âu tuyên bố họ đang nhằm vào thu nhập từ dầu mỏ của Iran để buộc chế độ này từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân đầy nghi ngờ của họ.
Trung Quốc đang tranh thủ căng thẳng giữa Iran với Mỹ để "đục nước béo cò"
Mặc dù Trung Quốc đã bỏ phiếu trắng 4 vòng trừng phạt của LHQ đối với Iran, nhưng các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang chỉ trích những nỗ lực mở rộng trừng phạt một cách đơn phương của Mỹ và châu Âu. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Zhai Jun đã nhận xét đạo luật mà Tổng thống Mỹ Barack Obama ký ngày 31/12 nhằm trừng phạt Ngân hàng Trung ương Iran và cản trở việc thanh toán dầu mỏ xuất khẩu của Tehran đang đưa luật pháp Mỹ lên cao hơn các quy tắc quốc tế. Trung Quốc là khách hàng mua dầu thô lớn nhất của Iran, hiện mua tới 22% lượng dầu xuất khẩu của nước này. Theo ông Zhai Jun, Iran là một trong những nhà cung cấp dầu mỏ lớn nhất của Trung Quốc. Trung Quốc hy vọng việc nhập khẩu dầu sẽ không bị ảnh hưởng, bởi vì xăng dầu cần cho sự phát triển của Trung Quốc và đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân.
Trung Quốc đang tìm cách đa dạng hóa các nguồn cung dầu mỏ tại Trung Đông. Ngày 14/1, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo dự kiến bắt đầu chuyến công du Trung Đông 6 ngày, gồm các chặng dừng chân tại Arập Xêút, Cata và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất. Tuy nhiên, dù có đa dạng hóa các nguồn dầu mỏ, Trung Quốc cũng sẽ không cắt đứt các quan hệ thương mại với Iran, bởi vì chính sách lâu nay của Bắc Kinh là phá hoại ảnh hưởng của Mỹ tại Trung Đông. Thay vào đó, các công ty dầu mỏ Trung Quốc dự kiến yêu cầu Iran hạ giá dầu thô, có thể tới 40%, vì trong số các khách mua dầu của Iran, Ấn Độ đang tăng đơn đặt mua dầu từ Arập Xêút, trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc đang dần giảm sự phụ thuộc vào Iran. EU, khách mua dầu mỏ lớn thứ hai của Iran, với 18% lượng dầu xuất khẩu của Tehran, đã nhất trí về nguyên tắc một lệnh cấm vận dầu mỏ Iran và dự kiến phê chuẩn lệnh cấm vận này tại hội nghị Ngoại trưởng EU, được tổ chức ngày 23/1.
Thảo Hương